Nguyễn Phượng-
Cây mai bonsai khoe sắc rực rỡ mang về cho người trồng mai kiểng không ít thu nhập vào dịp cận Tết Nguyên đán. Sau tết, những gốc mai bonsai trụi hoa cũng giúp họ kiếm thêm bộn tiền.
Những người chơi cây cảnh hiện rất ưa chuộng những loại mai bonsai – loại mai gốc trồng kiểng có thân uốn lượn đẹp mắt, nhỏ gọn dễ vận chuyển. Kiểu dáng của cây mai bonsai chủ yếu được dựa trên các trường phái bonsai của Nhật Bản nhưng có nhiều điểm chấm phá nhờ vào niềm cảm hứng của mỗi người trồng mai và các nghệ nhân.
Kỹ thuật đi cùng sự khéo léo
Ông Nguyễn Anh Khánh – một người trồng mai lâu năm tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM – chia sẻ, tỉa sửa rễ là khâu quan trọng cũng là khâu khó khăn nhất trong quá trình tạo thế bonsai cho cây mai kiểng vì phần rễ cây thường cứng, giòn và nằm sâu dưới đất. Mai bonsai đẹp phải có bộ rễ mai nổi hẳn lên trên mặt chậu, vậy nên các nghệ nhân phải moi phần rễ cây lên và chỉnh sửa cho bộ rễ xòe ra bốn phía hay uốn nắn chúng kiểu lồi lõm ngoằn ngoèo trên miệng chậu. Nếu khéo léo và có kỹ thuật tốt hơn, các nghệ nhân còn có thể tự tạo ra những bộ rễ mai có dạng hình chân thú như chân long, ly, quy, phụng, trông rất bắt mắt và thu hút được nhiều sự quan tâm hơn của người xem.
Để tạo những thế mai đẹp chưng trong nhà những ngày tết các nghệ nhân thường phải mất nhiều năm chăm sóc. Những thân mai bằng những ngón tay sẽ được người trồng uốn bằng thép, tạo cho cây mai dáng lùn thành bonsai và thường bán ra thị trường sau tết. Người chơi mai mua về có thể ghép cành tùy theo ý muốn để tạo ra kiểu dáng mới như ý. Theo các nghệ nhân, các cây mai bonsai này sẽ được ghép cành mai vàng loại 10 cánh, bởi bông nở đẹp và lâu tàn (gần 30 ngày).
Hút hàng nhờ dễ chăm sóc
Sau mùa vụ mai tết những người dân ở làng mai Bình Lợi, huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục bán mai bonsai, hàng trăm gốc mai được người dân ở đây chào bán dọc hai bên đường Vườn Thơm, huyện Bình Chánh. Đây cũng là nơi mà người chơi mai ở TPHCM và miền Tây Nam bộ tìm đến mua gốc mai. Có người mua vài gốc, cũng có người mua đến vài chục gốc và phải thuê xe tải chở về nhà. Giá bán một gốc mai thường dao động ở mức 3 triệu đến 10 triệu đồng. Cứ thế mỗi gia đình bán gốc mai ở đây thu về cho gia đình mình hàng chục đến hàng trăm triệu đồng sau dịp Tết Nguyên đán, cá biệt có gia đình như chú Út Nguyện bán được đến vài trăm gốc mai, thu về gần cả tỉ đồng. Chú Út Nguyện cho biết, đa số người đến nhà chú để mua mai là từ miền Tây. “Người mua lẻ thì ít, thường người ta mua từ ba đến hàng chục gốc”, chú Út Nguyện nói. Còn chị Hoa ở Vĩnh Long, một người mua mai, cho biết: “Tôi mua mai về chăm sóc và ghép cành để tết năm sau làm quà tặng cho bạn từ nước ngoài về, gia đình tôi cũng rất thích chưng mai bonsai vào dịp tết, mà loại mai này dễ chăm sóc chỉ cần tưới nước và bón phân là được”.