(SGTT) - Sự xuất hiện của các thương hiệu thời trang phổ thông nước ngoài tại thị trường Việt Nam càng làm cho sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn và sự tồn tại vốn đang khó khăn của các thương hiệu Việt Nam trở nên chật vật hơn.
Thực tế, một số thương hiệu thời trang Việt đã dần biến mất hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động. Các chuyên gia trong lĩnh vực này thì cho rằng thời trang nội địa cần phải đổi mới và có các giải pháp kinh doanh để trụ vững.
Một số thương hiệu biến mất
Bẵng đi một thời gian, dạo gần đây chị Minh Phương, nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM, ghé lại thì không thấy cửa hàng thời trang Ha Gattini trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 đâu nữa.
Đây là thương hiệu thời trang của công ty TNHH Nhất Hà được thành lập từ năm 1993. Có thời điểm hệ thống thời trang Ha Gattini có 22 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quy Nhơn...
Hiện tại, khi gọi tới số điện thoại, địa chỉ đăng ký của công ty này và cửa hàng thì được báo là của một đơn vị khác. Các địa chỉ khác của thương hiệu này tại TPHCM, trước đây đã hoạt động thì nay hầu như không còn thông tin trên công cụ tìm kiếm.
Trước Ha Gattini, “cái chết” của thương hiệu thời trang Foci thuộc Công ty Thời trang Nguyên Tâm cũng làm nhiều người ngạc nhiên.
Nói thế bởi thời điểm hoàng kim Foci có tới 100 cửa hàng, trang phục của đơn vị này được khách hàng trẻ yêu thích lựa chọn bởi chất liệu và kiểu dáng thời trang, khỏe khoắn.
Khoảng 10-12 năm trước, trong giai đoạn có thể gọi là khá rực rỡ của thời trang Việt, những cái tên như Blue, Foci, Việt Thy, Ninomaxx, N&M, Sifa, PT2000, Sea Collection, Đan Châu... được nhiều người nhắc đến; chuỗi cửa hàng của các thương hiệu này mọc lên ở nhiều nơi.
Thế nhưng dần dần, một số thương hiệu phải dừng hoạt động, số khác lẳng lặng thu hẹp quy mô kinh doanh.
Chẳng hạn, hệ thống Ninomaxx, Maxx Style và N&M của công ty Thời Trang Việt có thời điểm lên đến gần 200 cửa hàng cả nước, hiện nay chỉ còn hơn 60 cửa hàng.
Thương hiệu Việt Thy của công ty TNHH Việt Thy có thời điểm có hơn 20 cửa hàng cùng các hệ thống đại lý như Coopmart, Metro, BigC, Vinatex… nhưng hiện tại chỉ còn ba cửa hàng tại TPHCM.
Giai đoạn thử thách
Nói về nguyên nhân một số thương hiệu thời trang không còn tồn tại hoặc phải thu hẹp hoạt động, ông Nguyễn Tiệp, Giám đốc truyền thông công ty Thời trang Nem, cho biết có hai lý do chính.
Đầu tiên là việc phát triển nóng, tốc độ chóng mặt, nở rộ theo hướng nhượng quyền của một số thương hiệu mới. Việc này có thể giúp doanh nghiệp mở rộng cửa hàng, đại lý, được người tiêu dùng nhanh chóng biết tới nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lớn khi mà một ngày nào đó đại lý, cửa hàng nhượng quyền bán hàng chậm.
Lúc này đại lý sẽ không đủ kiên nhẫn hay không đủ vốn để duy trì, dẫn tới việc đóng cửa nhanh chóng.
Thứ nữa, khi mở cửa hàng, mở rộng cửa hàng, không phải đơn vị nào cũng có kinh nghiệm điều tiết và có nguồn vốn lâu dài để thực hiện tốt bài toán ổn định nguồn vốn đầu vào – đầu ra – hàng tồn…
Khi nguồn vốn hao hụt sẽ có hai lựa chọn, một là biến mất (thường xảy ra với thương hiệu nhỏ) và hai là nhượng quyền.
Ông Tiệp nói thêm, việc không chịu thay đổi mẫu mã – ví dụ 10 năm vẫn giữ nguyên kiểu dáng cũ, hoa văn cũ, trong khi yêu cầu thị trường một tuần trung bình phải có 60-80 mẫu mới, kiểu dáng mới và giá thuê mặt bằng đã tăng gấp 2-3 lần trong vòng 4-5 năm trở lại đây cũng là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp thời trang trong nước gặp khó.
“Có không ít ý kiến cho rằng thời trang Việt đang ngắc ngoải, như thế cũng không hẳn là công bằng. Bởi một số thương hiệu cũ mất đi, thu hẹp hoạt động thì theo quy luật sẽ lại có thương hiệu mới xuất hiện. Theo tôi đây là giai đoạn thử thách thị trường thời trang Việt Nam”, ông Tiệp nói.
Nếu doanh nghiệp nào có đầy đủ kinh nghiệm, rút kinh nghiệm từ người đi trước, nguồn vốn đủ mạnh, có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ vượt qua bế tắc để phát triển.
Bên cạnh đó, giai đoạn này đang là thời của thời trang nhanh, tức là việc thiết kế, sản xuất nhanh, cơ động, vòng đời của sản phẩm ngắn, có khi chỉ vài tháng là sản phẩm mới đó biến mất khỏi thị trường.
Nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng nhìn nhận thời trang Việt đang ở giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, để tồn tại được là việc rất khó.
Một trong những lý do, theo ông Việt Hùng là bao năm trôi qua nhưng một số thương hiệu không chịu thay đổi mẫu mã, thiết kế, trong khi những cái tên như H&M, Zara thay đổi theo tuần, theo mùa, cho ra mẫu mới liên tục.
“Chỉ nói riêng về kỹ thuật rập, người ta đã lên kỹ thuật 3D, 4D mà có đơn vị mình vẫn dùng kỹ thuật 1D, phom dáng trang phục cũng không chịu thay đổi”, ông Việt Hùng nói.
Giá thuê mặt bằng, chi phí nhân công ngày càng tăng cao cũng là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp thời trang Việt gặp khó khăn, theo ông Hùng.A
Nên có sự liên kếtĐể ngành thời trang trong nước thực sự có bước tiến và khởi sắc, theo nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng, ở tầm vĩ mô nên có sự liên kết giữa các thương hiệu thời trang trong nước, hiệp hội thời trang nên phát huy vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp.“Thời trang của chúng ta vẫn đang rất lộn xộn, mạnh ai nấy làm, không có định hướng chung, không cùng nhau vì một sự phát triển chung, cạnh tranh đôi khi không lành mạnh. Thế nên khi thời trang Trung Quốc, các thương hiệu nước ngoài, thương hiệu châu Âu vào thị trường, chúng ta sẽ chết”, ông Việt Hùng bày tỏ.
Vũ Yến