Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Thời tiết cực đoan đang làm thay đổi ngành du lịch

Kỳ nghỉ hè yên bình đã biến thành cơn ác mộng sau khi hàng nghìn người phải sơ tán khỏi các hòn đảo của Hy Lạp đang bị các đám cháy rừng bao vây. Đó là lời nhắc nhở mới nhất rằng ngành du lịch châu Âu cần nhìn nhận thực tế của biến đổi khí hậu và thích ứng nhanh chóng.
Du khách và người dân sơ tán trong trận cháy rừng ở làng Kiotari, trên đảo Rhodes, Hy Lạp hôm 22-7. Ảnh: EPA-EFE/REX/Shutterstock

Ở khu vực Nam Âu, mùa hè đang nóng nực bất thường và những đám cháy rừng ở Hy Lạp gợi nhớ những trận hỏa hoạn tàn phá đất nước này vào năm 2021. Sức nóng khủng khiếp trong mùa hè năm nay đã buộc giới chức trách ở Athens (Hy Lạp) đóng cửa khu thành cổ nổi tiếng Acropolis và buộc du khách trên đảo Sardinia của Ý phải ở trong nhà. Hiện nhiệt độ trái đất đã tăng với 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo nhiệt độ sẽ trở nên tồi tệ hơn ngay cả khi thế giới có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Biến đổi khí hậu có thể khiến mẫu hình thời tiết thân thiện du khách ở một số nơi thay đổi đến mức không thể nhận ra. Một nghiên cứu hồi năm 2019 dự đoán đến năm 2050, khí hậu của Madrid (Tây Ban Nha) sẽ giống với thành phố Marrakesh ở Bắc Phi. Và nhiệt độ ở London sẽ giống Barcelona (Tây Ban Nha).

Đây sẽ là một sự thay đổi chấn động đối với ngành du lịch và lữ hành của châu Âu, vốn đóng góp 1,9 nghìn tỉ euro (2,1 nghìn tỉ đô la) cho nền kinh tế khu vực vào năm ngoái, đồng thời có thể khiến các lộ trình du lịch thông thường thay đổi theo cách có thể gây tổn thương lớn cho một số quốc gia ở Nam Âu.

Nhưng ngành công nghiệp du lịch có thể chưa tính toán tác động đó một cách đầy đủ.

“Phần lớn ngành công nghiệp du lịch chỉ mới choàng tỉnh theo đúng nghĩa đen. Tôi không nghĩ họ đã thực sự sẵn sàng cho những thay đổi này”, Catharina Martinez-Pardo, đối tác của hãng tư vấn Boston Consulting Group, nói.

Khoảng 19.000 người đã phải sơ tán vào cuối tuần qua khỏi đảo Rhodes của Hy Lạp khi cháy rừng tiếp tục bùng phát, khiến các chuyến bay bị hủy. Cuối tuần qua, nhiều du khách đi chơi trong ngày ở đảo này không thể về khách sạn lấy hộ chiếu, tư trang trước khi sơ tán.

Tuy nhiên, Tom Jenkins, CEO của Hiệp hội Du lịch châu Âu cho biết, ngành du lịch của khu vực khó có thể đưa ra các quyết định thay đổi kinh doanh dài hạn dựa trên các sự kiện trước mắt vào mùa hè này.

Tuần trước, TUI, hãng lữ hành của Đức và hãng hàng không giá rẻ easyJet của Anh cho biết, họ thấy du khách ít phản ứng trước cái nóng khắc nghiệt. Nhưng nhiệt độ cao đã tác động đến du khách ở những nơi khác. Ở Mỹ tuần trước, hành khách bị bỏ mặc trên một máy bay của hãng hàng không Delta Air Lines trong nhiều giờ giữa cái nóng ngột ngạt khi họ chờ cất cánh từ Las Vegas đến Atlanta.

Dù ngành du lịch của châu Âu được ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,3% cho đến năm 2032, tần suất xảy ra các sự kiện cực đoan ở Nam Âu có thể đẩy du khách đến các điểm đến ở phía bắc của lục địa. Các đợt nắng nóng có thể “làm giảm sức hấp dẫn của Nam Âu với tư cách là một điểm đến du lịch trong dài hạn hoặc ít nhất là làm giảm nhu cầu vào mùa hè”, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết trong một báo cáo phát hành hôm 24-7.

Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu công bố trong năm nay, trong một thế giới nóng thêm tới 4 độ C, điều có thể xảy ra vào cuối thể kỷ này nếu không có chính sách ứng phó quan trọng, bên cạnh sự suy thoái sinh thái sẽ là sự sụt giảm mạnh hơn 9% lượng du khách đến quần đảo Ionian của Hy Lạp. Trong khi đó, lượng du khách đến xứ Wales sẽ tăng 16%.

Sự thay đổi đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với những nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du khách. Ngành du lịch đóng góp 14,9% GDP của Hy Lạp vào năm 2021 và chiếm lần lượt là 9,1% và 8,5% GDP của Ý và Tây Ban Nha.

Khi nhiệt độ tăng lên tới 46 độ C trên đảo Sardinia của Ý hồi tuần trước, các đường phố ở đây trở nên vắng tanh trong mùa du lịch cao điểm. Điện thoại di động cũng ngừng hoạt động ở mức nhiệt độ kỷ lục.

Trong chuyến thăm Ý gần đây, Bộ trưởng Y tế Đức, Karl Lauterbach đã viết trên Twitter về cái nóng khắc nghiệt và cảnh báo một số điểm đến nghỉ dưỡng ở Nam Âu “sẽ không có tương lai trong dài hạn”. Bài viết vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Bộ trưởng Du lịch Ý Daniela Santanchè, người chỉ ra rằng tình trạng nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến toàn hành tinh chứ không chỉ riêng một quốc gia nào.

Tuần trước, Eduardo Santander, giám đốc của Ủy ban Du lịch châu Âu, cho biết một số điểm đến ở châu Âu sẽ “chịu đựng” cái nóng khắc nghiệt trong những tháng mùa hè khi “không có nơi nào để thoát khỏi cái nóng”.

Ông dự báo, thời tiết nóng lên có thể khiến du khách sẽ đi về phía bắc thay vì phía nam châu Âu, hoặc đi du lịch vào mùa xuân hoặc mùa đông thay vì mùa hè. Mọi người cũng có thể sẽ đặt kỳ nghỉ của họ trong thời gian ngắn, dựa trên dự báo thời tiết tại các điểm đến của họ.

Một trong những dự báo của Santander đã thành hiện thực. Trong tuần trước, lượt tìm kiếm các điểm đến ở Bắc Âu từ những du khách ở Nam Âu tăng lên so với một tháng trước đó, với lượt tìm kiếm các điểm đến ở Ireland tăng hơn 1.000%, theo trang web đặt phòng và vé máy bay eDreams Odigeo.

“Dữ liệu mới nhất cho thấy nhiệt độ cao đang khiến người dân Nam Âu suy nghĩ lại về các điểm đến trong kỳ nghỉ của họ để tìm kiếm nơi có nhiệt độ mát hơn. Điều kiện thời tiết có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến sự lựa chọn điểm đến của du khách trong tương lai”, Pablo Caspers, Giám đốc dịch vụ hàng không của eDreams Odigeo, nói.

Tính đến hôm 24-7, có 162 vụ cháy rừng được báo cáo trên khắp Hy Lạp và 2.466 du khách và cư dân khác đã được sơ tán khỏi đảo Corfu ở phía bắc Hy Lạp vào đêm hôm trước. Khi cháy rừng đe dọa thêm năm ngôi làng trên đảo Rhodes, giới chức trách đã ban hành lệnh sơ tán tiếp theo.

“Khủng hoảng khí hậu đã xuất hiện. Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói với các nhà lập pháp tại quốc hội Hy Lạp hôm 24-7.

Chánh Tài

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hàng chục ngàn khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu...

0
(SGTT) - Sáng nay (9-11), tại cảng Phú Mỹ (Bà Rịa Vũng Tàu), Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đã đón hơn 2.800...

Bức tranh du lịch Việt Nam 10 tháng năm 2024

0
(SGTT) - Việt Nam ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong 10 tháng qua. So với cùng kỳ năm...

Tàu du lịch biển đưa hơn 5.800 du khách quốc tế...

0
(SGTT) - Trong ba ngày (từ ngày 25 đến 27-10), Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đón hơn 5.800 du khách quốc tế...

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là Đại sứ Du lịch...

0
Cục Du Lịch Đài Loan tại Việt Nam thông báo sự kiện họp báo công bố Đại sứ Du lịch Đài Loan diễn ra...

Ngành du lịch Huế xúc tiến “Kinh đô xưa, trải nghiệm...

0
(SGTT) - Thông qua chuyến Famtrip từ ngày 18 đến 20-9 cũng như hội nghị về xúc tiến quảng bá và kết nối du...

Nhiều địa phương thu hàng trăm tỉ đồng từ du lịch...

0
(SGTT) - Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, nhiều địa phương trên cả nước đã thu hút hàng trăm ngàn du...

Kết nối