Nhìn con gái 5 tuổi của tôi đang loay hoay cất cái hộp đựng sô cô la để “làm đồ chơi”, tôi phì cười. Vì con gái có riêng một tủ đựng đồ chơi, thùng nào thùng nấy đầy có ngọn, nhưng con vẫn cắc củm để dành cái hộp nhựa kia.
Con gái làm tôi nhớ lại cách đây hơn 20 năm, cái thời mà hộp xốp, hộp nhựa, túi nylon còn hiếm hoi ở miền quê, tới nỗi mẹ tôi hay nói “xài kiểu Mỹ” để ám chỉ ai xài sang, đồ dùng chỉ xài một lần rồi bỏ. Xài một lần rồi bỏ chính là kiểu dùng những hộp giấy, hộp nhựa – còn khá xa lạ với nhà quê lúc đó, nên mới gọi là “xài kiểu Mỹ”.
Thời đó tôi bằng tuổi con tôi bây giờ, chơi đồ hàng bằng những vỏ sò, mảnh chén bể, thỉnh thoảng vớ được vỏ một chai dầu khuynh diệp hay một cái thân đèn dầu hư thì gia tài thật giàu có. Tuyệt nhiên chưa có sự xuất hiện của các loại hộp nhựa hay bọc nylon tràn ngập như bây giờ.
Lại nhớ cái thời con người hòa lẫn thiên nhiên. Không có hộp giấy, túi nylon… con người cũng chẳng lấy gì làm bất tiện.
Ngày đó, muốn mua đậu hũ nóng phải cầm cái ca sắt băng qua mấy đám ruộng để tới nhà bà Hùng bán đậu hũ chứ không phải là đậu hũ đựng trong những chiếc ly nhựa gọn nhẹ. Hay chiếc bánh cam nóng giòn gói trong lá chuối bóng loáng dầu mỡ, chứ không phải đựng trong bọc hôi mùi nylon. Gánh chè của mẹ tôi sắp soạn để ra chợ mỗi sớm mai, một bên thúng là nồi chè đậu ván, thúng còn lại úp đàn chén nhỏ xinh xinh cho khách ăn chè. Hình ảnh mẹ gánh chè trĩu trịt chân đi nhìn kham khổ nhưng thơ mộng hơn nhiều chiếc xe đẩy treo đầy các bịch chè đủ loại. Dù rằng kham khổ thì thời nào cũng như nhau.
Ngày đó, chiếc giỏ đi chợ là thứ không thể thiếu của người nội trợ chứ không phải đi chợ mà tay xách nách mang cả chục túi nylon về nhà. Những đứa con mong mẹ về chợ để lục tìm trong giỏ xem mẹ có mua quà vặt không, sẽ mừng hớn hở khi tìm thấy gói “kẹo chặt” tẩm bột, miếng kẹo đậu phụng dẻo quẹo trong lá chuối, hay cái bánh gói(*) còn nóng hổi. Trong giỏ còn có bó rau, con cá, ký bún, tất cả đều gói gọn trong những chiếc lá dầu. Lá chuối, lá dầu trở về đất, mủn đi trong đất, thành phân bón cho đám rau trong vườn, hòa hợp trọn vẹn với thiên nhiên.
Lá dầu bây giờ trôi vào quên lãng. Lá chuối chỉ còn được nhớ đến khi tết về, phục vụ cho nồi bánh chưng, bánh tét. Chắc chúng cũng không tưởng tượng được tổ tiên của mình đã từng ở vị trí đắc dụng của hộp giấy, bao bì nylon như bây giờ.
Nói như vậy thì mang nặng tính hoài cổ và… bảo thủ. Nhưng thật sự, sự tiện dụng của “công nghệ nylon” có bù lại được những thiệt hại đáng sợ khác trong đời sống hiện đại?
Bây giờ, bước chân ra đường, mua bất cứ thứ gì cũng hộp giấy, hộp nhựa, bọc nylon. Mấy trái chanh ớt một túi nylon, 1.000 đồng hành ngò cũng túi nylon đựng. Một gói xôi 5.000 đồng cũng tốn tấm nylon bọc ngoài mảnh giấy báo để gói, rồi lại bỏ gói xôi đó trong một bọc nylon khác…
Chợ gần nhà, tôi giữ thói quen đi bộ và xách giỏ đi chợ. Mặc dù đã nhắc không cần túi, chỉ cần cho mớ rau củ vào giỏ nhưng người bán cứ quen tay, cuối cùng vẫn túi to túi nhỏ rồi mới cho vào giỏ.
Tan buổi chợ, bọc nylon và hộp giấy bay đầy, như một thứ cờ xí của thời đại “xài kiểu Mỹ”, à không, bây giờ là kiểu Việt rồi.
Những nguy cơ tiềm ẩn của đội quân hùng hậu dưới vỏ bọc tiện dụng này là gì?
Thay cho rổ, rá đựng mớ rau, con cá dùng trong ngày, tủ lạnh với những hộp nhựa trữ thức ăn tiện dụng hơn nhiều. Nhưng độc tố ẩn mình trong các anh bạn hiện đại này chỉ chực chờ có cơ hội là bùng phát. Hộp nhựa dùng lâu ngày hoặc đựng đồ nóng sẽ sản sinh chất độc BPA. Chai nhựa đựng nước để trong tủ lạnh cũng có khả năng sản xuất chất dioxin gây ung thư… Những thông tin đáng sợ đó rồi cũng chìm lấp trong hàng tỉ thông tin khác nóng hơn, giật gân, sốc hơn, và con người vẫn cứ bình thản mà sống. Vì ở thời buổi bận rộn này mấy ai đủ thời gian để suy nghĩ về những điều không nhìn thấy trước mắt, ví dụ như một cái bọc nylon phải mất 500 năm đến 1.000 năm mới phân hủy được?
Thế hệ của con tôi là thế hệ mà loài người đã đánh động về hậu quả của nền công nghiệp cao mang lại cuộc sống tiện dụng. Nhưng sự đánh động đó cũng như tiếng chuông chiều lạc lõng thinh không. Dù tôi từng giải thích tỉ mỉ cho con về cách sống an toàn và thân thiện với môi trường, nhưng có những thứ đã thành quá quen thuộc mà đôi khi chính tôi – người thầy đầu tiên của con cũng quên đi. Như khi pha cho con ly sữa, tôi cắm vào ống hút trong ánh mắt ngạc nhiên của con: “Sao mẹ lại đưa con ống hút? Mẹ nói ống hút làm từ rác thải mà!”. Và con nhất định không sử dụng ống hút trong sự thẹn thò vì quên bài của mẹ nó.
Trẻ con nhanh chóng ghi nhớ thông tin và rất thích giữ những nguyên tắc. Nhưng đó cũng chỉ là nguyên tắc trẻ con. Rồi khi nó lớn lên một chút, sẽ bị cuốn vào “đời sống tiện dụng” với những thói quen sống đã trở thành nếp của một xã hội tiện dụng. Tất cả con người đều bị cuốn vào cơn lốc mịt mù này.
Và như thế, bọc nylon và hộp xốp vẫn ung dung sống một đời tiện nghi của mình.
Một người bạn của tôi đột ngột bỏ phố về rừng. Khi hỏi lý do vì sao bỏ lại cuộc sống cao cấp với công việc kiếm tiền rất nhiều, anh chỉ cười tủm: “Đúng là ở thành phố dễ kiếm tiền. Chục năm có thể kiếm được tiền tỉ, rồi để dành trị… ung thư”.
Trương Huỳnh Như Trân
(*) Bánh gói: một loại bánh ở miền Trung, tương tự bánh giò.