Một trong những mặt trái của công nghệ là khiến con người dần thu mình lại trong thế giới riêng của mỗi người, từ đó trở nên trì trệ trong cuộc sống thường ngày về cả tinh thần lẫn thể chất. Làm sao để thoát khỏi sức ì và khơi dậy nguồn năng lượng sống cho chính mình? Hãy bắt đầu từ một cách thật giản đơn: tập thể dục.
Ngày nay, hình ảnh về những người ngồi cả ngày với chiếc điện thoại thông minh, máy tính xách tay vốn chẳng còn xa lạ. Việc ngồi hoặc nằm suốt nhiều giờ, nhiều ngày liền mà ít vận động đang dần ăn mòn sức khỏe của nhiều người. Sự thụ động, ì trệ và vô số căn bệnh thường bắt đầu từ thói quen ít vận động này.
Đáng mừng là, mỗi người chúng ta đều có khả năng thoát khỏi thói quen ì trệ hay còn gọi là sự lười biếng này để tìm kiếm một ngày mới với nhiều màu sắc, giàu cảm xúc và nhiều trải nghiệm lý thú. Trong đó, tập thể dục là cách đơn giản và ít tốn kém nhất giúp mỗi người thoát khỏi sức ì, mở rộng trái tim, kết giao bè bạn, thay đổi quan niệm sống... Trong quỹ thời gian hằng ngày, việc dành 30 phút thời gian để chạy bộ hay đạp xe không hề khó nhưng mang lại hiệu quả diệu kì.
Đạp xe vì sức khỏe và môi trường
Cùng chung mục tiêu với rất nhiều người: vì sức khỏe, thoát khỏi sự trì trệ của bản thân và đặc biệt là để chữa chứng đau lưng ở tuổi trung niên, anh Nguyễn Thanh Bình, 44 tuổi, hiện đang sống tại thành phố Vinh, đã “cầu cứu” bộ môn đạp xe đạp.
Từ khi mua xe về đạp, anh không những hết đau lưng mà còn được “lời” thêm rất nhiều người bạn. Cuộc sống của cũng anh trở nên vui vẻ, lạc quan hơn khi đi đó đi đây, kết nối với nhiều người xung quanh mình.
Nhóm đạp xe của anh Bình gồm 30 thành viên và sáng nào nhóm cũng rủ nhau đạp xe khoảng 30 cây số.
Cứ sau mỗi chặng đạp xe, anh Bình và bạn bè lại cùng ngồi uống cà phê, uống trà, ăn sáng, chuyện trò rất sôi nổi. Ngoài việc hẹn nhau đạp xe mỗi ngày thì cứ một tháng, nhóm anh lại tổ chức đạp xe dã ngoại một lần, từ Vinh đạp xe tới các cửa khẩu giáp Lào, đi đồi hoa hướng dương ở NghệAn… Anh hào hứng: “Cảnh sắc trên đường đạp xe rất đẹp. Nhóm mình đi qua bao nhiêu đồi núi, ruộng đồng xanh mướt. Cứ nơi nào đẹp lại dừng chân để chụp hình lưu lại kỷ niệm với nhau”.
Để các thành viên trong nhóm không bị ì trệ trong việc duy trì luyện tập, nhóm anh đặt ra một nguyên tắc: “Nhóm mình có quy định, mỗi ngày phải đạp xe cùng nhau vào lúc 4 giờ sáng, ai vắng mặt sẽ bị phạt 50 ngàn đồng, nộp vào hôm sau”.
Đúng theo tiêu chí của anh và nhóm bạn cùng đạp xe: “Đạp xe vì sức khỏe và môi trường”, hiện anh đã và đang thực hiện lối sống không động cơ bằng cách sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính hằng ngày trong phạm vi 30 cây số. Anh kể: “Có lần mình đi thăm bạn ở Cửa Lò, tính cả đi lẫn về thì mình đạp được 40 cây số. Bạn mình rất bất ngờ”.
Với những ai muốn bắt đầu đạp xe, anh chia sẻ bí quyết: “Đầu tiên chỉ nên đạp ít ít thôi, cỡ 5 hay 7 cây số nếu thể lực cho phép. Vì nếu đạp nhiều sẽ rất mệt và nhanh nản. Đạp xe giống như đang thưởng thức cuộc sống chầm chậm theo năm tháng vậy. Từ từ hãy đạp tăng dần lên”.
Muốn đi xa hãy đi cùng nhau
Trong lần gặp gỡ với một “chân chạy” trong nhóm Việt Runners, chị Phạm Huyền Khanh, 38 tuổi, ở TPHCM đã được truyền cảm hứng và quyết tâm sắp xếp thời gian chạy bộ mỗi ngày, đồng thời gia nhập nhóm để được luyện tập đều đặn cùng mọi người.
Vì muốn cải thiện sức khỏe và khởi đầu ngày mới của mình bằng một hoạt động bổ ích, chị thường dậy từ rất sớm để chạy bộ cùng bạn bè, dù việc dậy sớm với chị trước đây là một việc vô cùng khó khăn. Chị chia sẻ: “Ai cũng biết luyện tập thể thao tốt cho sức khỏe nhưng lại rất ít người làm được điều đó. Chạy bộ là bộ môn đơn giản nhất mà ai cũng làm được. Chỉ cần một bộ đồ thể thao, một đôi giày, một tuần 3-4 ngày và một ngày khoảng 30 phút, như thế cũng đã đủ để bạn bắt đầu”.
“Giai đoạn bắt đầu là giai đoạn quan trọng nhất để thoát khỏi sức ì trong suy nghĩ mình”, chị Khanh chia sẻ.
Câu châm ngôn khi chạy bộ của chị là “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Chị kể: “Có nhiều lần mình từng muốn bỏ cuộc giữa các đường chạy vì đau chân, vì mệt, vì nắng nóng, sức khỏe lại yếu nhưng luôn có những người bạn ở ngay bên cạnh, ở đằng sau sẵn sàng tiếp nước, động viên mình. Mình chạy tiếp và không bỏ cuộc là nhờ những lời ‘Cố lên!’”. Đây cũng là lý do chị khuyên những người muốn chọn chạy bộ làm môn thể thao rèn luyện sức khỏe thì nên tham gia vào một nhóm chạy nào đó.
Ngọc Thúy