Theo đại diện của Petrolimex Sài Gòn, trước tình trạng một số cửa hàng dừng bán xăng hoặc bán nhỏ giọt trong những ngày vừa qua, số lượng người dân đổ dồn về Petrolimex là rất lớn. Nhu cầu đổ xăng tại các cửa hàng thuộc Petrolimex tăng bình quân 135%, có ngày cao điểm tăng đến 240%.
- 54 cây xăng tạm hết hàng, người dân TPHCM vất vả chuyện đổ xăng
- Tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu, tạm dừng rút giấy phép 5 doanh nghiệp đầu mối
Cam kết đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Trước tình trạng thiếu xăng dầu tại TPHCM trong thời gian gần đây, tại buổi họp cung cấp thông tin đến báo chí của cơ quan chức năng ngày 13-10, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex Sài Gòn), cho biết ở góc độ doanh nghiệp, việc thiếu xăng dầu vừa qua tại TPHCM mang tính cục bộ. Hiện nay, Petrolimex Sài Gòn có 71 cửa hàng xăng dầu và 52 cửa hàng nhượng quyền bán lẻ. Như vậy, đơn vị này chỉ chiếm khoảng 20% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố và khoảng 35% năng lực cung cấp.
Vì vậy, khi một số cửa hàng xăng dầu ở TPHCM dừng bán hoặc bán nhỏ giọt, lượng khách hàng đổ dồn về Petrolimex là tương đối lớn và tăng bình quân so với ngày bình thường 135%, những ngày đỉnh điểm tăng đến 240%.
Bình quân công ty chỉ cung cấp khoảng 1.300 đến 1.500m3/ngày. Tuy nhiên, những ngày cao điểm vừa qua đơn vị này cung cấp đến 2.900m3/ngày.
Đại diện Petrolimex Sài Gòn cho biết, trong tuần này, công ty tiếp tục nhập về 100.000m3 xăng dầu, trong đó có 80.000m3 xăng 95 nhập khẩu và 20.000m3 xăng 92 trong nước các loại và hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau đó, công ty cũng sẽ tiếp tục bổ sung và có kế hoạch nhập dầu của tháng 11 để không bị gián đoạn ở cả TPHCM và các tỉnh miền Nam, miền Tây.
“Chúng tôi cam kết sẽ không có bất kỳ cửa hàng nào đóng cửa vì thiếu nguồn cung và người dân đổ bao nhiêu cũng được, không có giới hạn”, ông Tuấn nói.
Chen lấn mua xăng chỉ tiết kiệm 1.000-2.000 đồng
Thông tin về tình hình xăng dầu, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết 550 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn TPHCM đều được các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra. Nếu cửa hàng nào còn xăng nhưng không bán, sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra những ngày qua, các cửa hàng gián đoạn hoạt động đều hết xăng và không có dấu hiệu găm hàng.
Về lý do các cửa hàng gián đoạn hoạt động, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho rằng chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ. Những doanh nghiệp này chủ yếu nhập hàng của các thương nhân phân phối, không có kho dự trữ, phương tiện vận chuyển nên khi hết hàng thì phụ thuộc vào nhà cung cấp, chờ xe. Trường hợp hết hàng trong giờ cao điểm thì bắt buộc phải chờ do xe bồn không được phép di chuyển trong giờ cao điểm.
Qua thực tế theo dõi, kiểm tra trong những ngày sức mua xăng dầu tăng rất cao, lực lượng của Sở Công Thương TPHCM đã trực tiếp quan sát và nhận thấy nhiều xe còn hơn nửa bình xăng hoặc 2/3 bình cũng chen lấn vào đổ xăng.
“Việc điều chỉnh giá khoảng 500-600 đồng nên khi chen vào đổ đầy bình cùng lắm chỉ lời 1.000-2.000 đồng. Tuy nhiên, khi chen vào đó, không may xảy ra cháy nổ thì không cách nào thoát được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng”, ông Phương khuyến cáo.
Ông Phương cũng chỉ ra tình trạng dự trữ xăng dầu, có người mang xe vào đổ sau đó về rút xăng và quay lại đổ tiếp, việc dự trữ xăng dầu trong nhà là cực kỳ nguy hiểm. Người tiêu dùng cân nhắc đánh đổi giữa việc lợi ích đổ xăng chen chúc và thiệt hại có thể phải gánh chịu.
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn