Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thị trường thực phẩm chức năng trên ‘đường đua’ tăng trưởng

Những năm gần đây, người tiêu dùng không khó để tìm mua các mặt hàng thực phẩm chức năng phân phối chính hãng ở các nhà thuốc, siêu thị, sàn thương mại điện tử… Đặc biệt, với đối tượng phụ nữ, người già, ngành hàng này được đánh giá tiềm năng và xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ hàng. Đây cũng được xem là sản phẩm tăng thêm lợi nhuận, tạo hướng đi riêng cho các nhà thuốc truyền thống cạnh tranh với các chuỗi thuốc bán lẻ trên thị trường.

Mở rộng kênh phân phối, sản phẩm đa dạng và phong phú

Theo báo cáo sơ bộ về thị trường thực phẩm chức năng trên các sàn thương mại điện tử trong 12 tháng qua của Metric, tổng doanh số ngành rơi vào khoảng 3,6 tỉ đồng, có khoảng 14,3 triệu sản phẩm đã được bán ra với mức giá tốt nhất từ 200.000-500.000 đồng. Các mặt hàng được ưa chuộng nhiều đa phần đến từ thương hiệu chuyên sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ.

Một phần sự tăng trưởng này được lý giải từ sau dịch bệnh Covid-19, thói quen chăm sóc sức khỏe có sự thay đổi, người dân nhiều lứa tuổi tập trung đầu tư cho quá trình phòng bệnh hơn chữa bệnh. Theo đó các kênh mua sắm trực tuyến phát triển, nhiều đơn vị nhỏ lẻ tập trung quảng bá sản phẩm phổ biến hơn.

Theo ông Ngô Anh Ngọc, CEO của công ty cổ phần PharmaDi, công ty chuyên phân phối thực phẩm chức năng chính hãng, hiện nay, ngoài những gian hàng của các thương hiệu lớn xuất hiện tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt cũng gia nhập vào thị trường sản xuất với đa dạng sản phẩm, có mức giá “mềm” hơn so với hàng nhập khẩu, xách tay.

Những kệ hàng thực phẩm chức năng của công ty PharmaDi. Ảnh: DNCC

Sự tăng trưởng mạnh trong 5 năm đã đưa con số từ 10.000 mã sản phẩm lên gấp ba lần thành 30.000 mã hàng đang lưu hành. Ông Ngọc chia sẻ ý kiến cá nhân, ông cho rằng quy mô thực phẩm chức năng trên kệ thuốc đang có tỷ lệ tương đương với thuốc. Ví dụ, một nhà thuốc có khoảng 5.000 sản phẩm thì có khoảng 1500-2000 thực phẩm bổ sung. “Thị trường ngành dược phẩm Việt Nam, chỉ nói đến thuốc đang dao động khoảng 8 tỉ đô la Mỹ, trong đó có khoảng 70% kênh tiêu thụ ở bệnh viện, 30% ở nhà thuốc. Tín hiệu cho thấy tỷ trọng doanh thu của thực phẩm bổ sung đang tương đương với thuốc tại kênh nhà thuốc, quy mô khoảng 2 tới 3 tỉ đô la”, ông nêu số liệu tính toán cá nhân.

Ông lý giải thêm thị trường phân ra nhiều loại thực phẩm chức năng, chẳng hạn như thực phẩm hỗ trợ điều trị, thực phẩm bổ dưỡng. Với nhóm hàng đầu tiên, hiệu quả sản phẩm càng rõ ràng, càng dễ thuyết phục người mua qua kênh truyền miệng. Còn nhóm hàng thứ hai, người dùng khó cảm nhận sự khác biệt, thay đổi quá rõ ràng nên cần dựa vào độ tin cậy, nghiên cứu, thử nghiệm hiệu quả lâm sàng từ phía nhà sản xuất công bố.

Nhìn chung, các nhóm khách hàng đang có nhu cầu tăng nhanh cho dòng sản phẩm này là trẻ em, người già có bệnh mãn tính (tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, xương khớp…) vì tỷ lệ già hóa dân số đang tăng, riêng phụ nữ đã chiếm thị phần lớn ngành hàng lâu nay.

Ông Ngô Anh Ngọc đánh giá Việt Nam đang thiếu thông tin về thực phẩm chức năng vì chỉ đang ở giai đoạn khởi phát. “Chúng ta cần nhiều nhân sự, nguồn lực để giúp người mua hiểu rõ sản phẩm rồi chủ động mua dùng. Nhu cầu tăng sẽ góp phần tiếp thị sản phẩm nhiều hơn ngoài điểm bán lẻ truyền thống như nhà thuốc. Chẳng hạn ta có thể mở rộng phân phối đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng mẹ và bé, kênh y tế khác”, ông nhấn mạnh.

Những thách thức không nhỏ trong việc mở rộng thị trường

Qua khảo sát, các sản phẩm có nguồn gốc từ Úc, Nhật, Mỹ, Canada và châu Âu đang được ưa chuộng nhiều ở Việt Nam. Tuy vậy, đại diện PharmaDi đánh giá thực phẩm chức năng nội địa đang cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu bởi lẽ nhãn hàng Việt có những lợi thế như nguồn dược liệu bản địa phong phú, bài thuốc y học cổ truyền từ xưa nay, ưu thế trên sân nhà với kinh nghiệm làm thị trường và cuối cùng là mức giá các công ty Việt Nam đưa ra có thể cạnh tranh được.

Để nhân rộng mặt hàng này, doanh nghiệp không thể bỏ qua làm truyền thông quảng cáo, sự phổ biến của sản phẩm đến phần nhiều từ việc làm tiếp thị, giúp cho khách hàng càng biết đến nhiều càng tốt. Điều này khác với thuốc, mặt hàng gần như không thể làm truyền thông rộng rãi mà phải qua các kênh y tế như bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc. Bên cạnh đó, thực phẩm chức năng cũng dễ đăng ký lưu hành hơn, không yêu cầu bắt buộc trong thử nghiệm hiệu quả lâm sàng nghiêm ngặt…

Tuy vậy, những thách thức của ngành cũng bắt đầu từ đây. Khi chuỗi lớn như Long Châu, Pharmacity, An Khang gia nhập vào sân chơi cạnh tranh với các nhà thuốc truyền thống từ giá đến mặt hàng. Các điểm bán địa phương cũng nhập thêm hoặc chuyển hướng tập trung, đầu tư thực phẩm chức năng giúp kệ thuốc thêm đa dạng sản phẩm, tăng lợi nhuận.

Hiện tại, các nhà thuốc, hệ thống nhỏ lẻ gặp không ít thách thức trong việc lựa chọn phân phối hàng. Chẳng hạn, số lượng mã hàng quá lớn, nhiều bên tiếp thị sản phẩm mới và cũ khiến nhà thuốc không đủ thông tin thẩm định chất lượng, đưa ra quyết định nhập hàng; dễ bị tồn kho nếu nhập sản phẩm không phù hợp với phân khúc, xu hướng khách hàng ở khu vực đó; số lượng mã tăng quá nhiều khiến người bán dễ bị “ngộp” thông tin, khó đưa ra cách tư vấn chuẩn cho người mua.

Nhà thuốc với nhiều sản phẩm thuộc nhóm hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe tại nhà thuốc Việt. Ảnh: Hoàng An

Nếu thương hiệu đó được khách hàng biết đến qua truyền thông thì tốt, ngược lại, bài toán đặt ra cho ngành thực phẩm chức năng là làm sao khách hàng tin dùng để xuống tiền. Ông Lê Anh Khoa, CEO hệ thống nhà thuốc Vivita, cho biết một vài tiêu chí chọn sản phẩm của công ty mình. Đầu tiên là ứng dụng công nghệ, nơi sản xuất, mức độ phổ biến sản phẩm ở các nước sở tại, chất lượng kiểm định, truyền thông sản phẩm, chế độ hỗ trợ cho khách hàng sau khi tin mua, chính sách chiết khấu cho điểm bán có phù hợp để duy trì hoạt động của nhà thuốc hay không… rồi sau đó kết hợp với tư vấn của dược sĩ để có doanh số.

Theo ông Khoa, tại các điểm bán của mình, lượng phân phối thuốc chiếm khoảng 50-70%, còn lại 30-50% hàng thực phẩm chức năng. “Thực phẩm chức năng muôn hình vạn trạng, chỉ dùng bổ trợ cho điều trị nên người mua phải thông thái lựa chọn điểm bán uy tín, có người tư vấn kèm dịch vụ chăm sóc khách hàng sau mua”, ông chia sẻ.

Gian hàng thực phẩm chức năng tại nhà thuốc Vivita. Ảnh: Hoàng An

Theo giới chuyên môn, ngành hàng phát triển mạnh, quản lý nhà nước chưa theo kịp, xuất hiện các hiện tượng tiêu cực như sản phẩm tự nói quá về công dụng, nhà sản xuất “mạnh ai nấy làm” nên khó kiểm soát thành phần, hoạt chất rõ ràng.

Để gỡ khó, tiến tới ổn định trên sân chơi đang phân tán quá nhiều mã hàng, ông Ngô Anh Ngọc từ PharmaDi kỳ vọng sẽ có hiệp hội do các nhà sản xuất, bán lẻ cùng tham gia với nhau tạo định hướng, phễu lọc. Bên cạnh đó, những đơn vị lớn với hệ thống tiêu chuẩn gây hiệu ứng tốt, cũng giúp cho doanh nghiệp khác nhìn và làm theo trên sân nhà của mình.

Hoàng An

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thêm gần 500 thuốc nước ngoài được cấp, gia hạn giấy...

0
(SGTT) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định về việc cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho...

Probiotics có tác dụng “chữa bệnh” tiêu hóa không?

0
Những người mắc rối loạn tiêu hoá thường gặp một số triệu chứng như đầy bụng, táo bón, tiêu chảy… Tình trạng này không...

Công ty dược Imexpharm đạt doanh thu hơn 2.100 tỉ đồng...

0
(SGTT) - Dù năm 2023 chứng kiến nhiều biến động của nền kinh tế, một số ngành đối mặt với mức tăng trưởng âm...

Để làn da ‘tắm’ trong tự nhiên với nhuỵ hoa nghệ...

0
(SGTT) - Chăm sóc da không nhất thiết là đầu tư vào các sản phẩm đắt tiền và đến thẩm mỹ viện để làm...

Khe hở quản lý trong sự bát nháo của thị trường...

0
(SGTT) – Thị trường thực phẩm chức năng với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang ngày càng phát triển mạnh do nhu...

Thực phẩm chức năng: Mảnh đất màu mỡ với nhiều rào...

0
(SGTT) – Hiện thị trường về những sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển, trong đó phải kể đến thực...

Kết nối