(SGTT) - Địa kinh tế thế giới tiếp tục biến động. Trên mặt trận này, tình hình Mỹ – Trung Quốc vẫn quyết liệt. Tính chất của cuộc thương chiến bắt đầu từ mấy năm qua, với những sự mở rộng và triển khai mới hiện nay, lại là cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam cần chuẩn bị các tiền đề tốt để tận dụng cơ hội mới này, đưa kinh tế vào giai đoạn phát triển mới.
- Triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2024
- Dự báo Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về kinh tế số tại Đông Nam Á
Thế giới quanh ta: chuyển động địa kinh tế hướng về ASEAN
Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác bắt đầu cảnh giác Trung Quốc từ giữa thập niên 2010, nhất là từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao với tham vọng thực hiện giấc mơ đưa Trung Quốc trở lại thời hoàng kim. Lúc này Trung Quốc cũng từ bỏ phương châm “thao quang dưỡng hối” (che giấu sức lực của mình và âm thầm củng cố thế lực) có từ thời ông Đặng Tiểu Bình và không giấu tham vọng chi phối kinh tế, chính trị thế giới. Một công cụ nổi tiếng là tiến hành Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (BRI). Đây là sáng kiến nối Trung Quốc với châu Á và châu Âu, gồm một Vành đai (One Belt) xuyên lục địa từ Trung Quốc qua vùng Trung Á đến châu Âu, và một Con đường (One Road) từ Trung Quốc xuyên qua Biển Đông và Ấn Độ Dương đến châu Âu. Mục đích của BRI được đề ra là chia sẻ thành quả phát triển với các nước liên quan qua hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc hy vọng qua sáng kiến này sẽ gây ảnh hưởng hoặc tạo quan hệ thân thiện với các nước tham gia BRI.
Nhưng BRI có vẻ không đạt mục tiêu như Trung Quốc mong muốn. Do chủ quan và tham vọng của Trung Quốc muốn áp đặt và chi phối những nước cần vay vốn của họ để xây hạ tầng, nhiều nước bắt đầu cảnh giác. Những nước tham gia BRI tích cực thì mắc vào bẫy nợ như Sri Lanka, hoặc có nguy cơ phụ thuộc sâu vào Trung Quốc như Campuchia.
Trong tình hình đó, ngày 21-9-2021 Trung Quốc phát biểu Sáng kiến Phát triển toàn cầu (Global Development Initiative, GDI), đưa ra phương châm mới về hợp tác quốc tế. Sáng kiến này giống Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) mà Liên hiệp quốc đưa ra năm 2015, với mục tiêu đến năm 2030 đạt được 17 chỉ tiêu phát triển bao gồm xóa đói, xóa nghèo, phổ cập giáo dục, bảo vệ môi trường… Trung Quốc muốn đi đầu với các biện pháp cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu ấy.
Cùng với phương châm mới này, để đối phó với những phê phán của thế giới liên quan BRI, tại Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế BRI lần thứ 3 tổ chức tại Bắc Kinh (ngày 17 và 18-10-2023), trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương sẽ ưu tiên chất lượng dự án và tăng tính tự chủ của các nước tham gia.
Về phía Mỹ, trước sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc, từ năm 2018, Tổng thống Donald Trump bắt đầu có chính sách đối đầu kinh tế, trước tiên là áp thuế quan cao lên hàng nhập từ Trung Quốc, khởi đầu giai đoạn gây đứt gãy (decoupling) các chuỗi cung ứng toàn cầu. Không dừng ở mậu dịch, tháng 5-2020 Mỹ phát biểu chiến lược mới trong đó chủ trương quan hệ Mỹ – Trung là… cạnh tranh giữa các nước lớn (Great Power Competition), bao gồm hầu hết các mặt từ kỹ thuật, công nghệ đến sức cạnh tranh các ngành công nghiệp chiến lược và quân sự. Các đạo luật về an ninh kinh tế, về xây dựng các ngành công nghiệp mũi nhọn, về hạn chế đầu tư từ Trung Quốc… lần lượt ra đời.
Sang năm 2021, dưới thời Tổng thống Joe Biden, chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc được tiếp tục và đẩy lên một tầm mức cao hơn. Đó là xác lập chiến lược hợp tác với các đồng minh hoặc với các nước Mỹ muốn tạo sự thân thiện, đặc biệt là vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chỉ riêng về kinh tế, Mỹ kêu gọi thành lập Khung hợp tác vì thịnh vượng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF) với 14 nước tham gia (tháng 5-2022). Ngoài ra, để ổn định và tăng cường chuỗi cung ứng của những ngành chiến lược như chip bán dẫn và các sản phẩm điện tử cao cấp, Mỹ nỗ lực kết nối với những nước là “bạn bè tốt” với Mỹ để xây dựng chuỗi cung ứng giữa những nước thân thiện (friendshoring).
Phía Trung Quốc cũng ra sức củng cố vị trí của mình tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trung Quốc tích cực cùng ASEAN đẩy mạnh việc thành lập Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) và thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ BRI tại Lào, Campuchia và Indonesia. Ngoài ra, trước tình hình đối đầu ngày càng mạnh của Mỹ và đồng minh, Trung Quốc cũng quan tâm hơn đến vấn đề an ninh kinh tế. Tháng 9-2021 Trung Quốc ban hành Luật Dữ liệu nhằm kiểm soát chặt chẽ để hạn chế việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Tháng 7-2023 Trung Quốc ban hành Luật sửa đổi phòng chống gián điệp, trong đó mở rộng phạm vi định nghĩa “gián điệp” để kiểm soát nghiêm ngặt hơn hoạt động của người nước ngoài làm việc hoặc lưu trú tại Trung Quốc.
Chuyển động địa kinh tế gần đây có hai hàm ý. Một là tiếp tục làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới. Tính trung bình Trung Quốc chiếm trên 20% sản lượng công nghiệp toàn cầu nhưng trong nhiều lĩnh vực như đồ điện gia dụng, máy tính, thép… thì thị phần của Trung Quốc lên tới trên 50%.
Mặt khác, Mỹ là thị trường lớn nhất, nhập khẩu năm 2022 tới 3.376 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 15% thị trường thế giới. Sản xuất và tiêu thụ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên kết hữu cơ với rất nhiều nước khác. Chiến tranh kinh tế Mỹ – Trung do đó ảnh hưởng mạnh đến nhiều nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Một hệ quả là một bộ phận sản lượng công nghiệp, một phần của chuỗi cung ứng phải chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác để tránh rủi ro.
Hàm ý thứ hai là các dòng thác dịch chuyển công nghiệp đang hướng vào ASEAN và Ấn Độ, những nền kinh tế có tiềm năng nhất tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi đang diễn ra tranh chấp giữa hai siêu cường. So với ASEAN, Ấn Độ có dân số áp đảo hứa hẹn một thị trường to lớn trong tương lai xa nhưng trong trung hạn thị trường ASEAN lớn hơn (năm 2022 GDP của ASEAN là 3.626 tỉ đô la, so với 3.390 tỉ đô la của Ấn Độ). Hơn nữa, ASEAN có hai lợi thế. Một là ở gần Trung Quốc nên việc chuyển dịch cơ sở sản xuất giữa hai nơi thực hiện thuận lợi. Hai là ASEAN tham gia nhiều tổ chức thương mại tự do khu vực, tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn Ấn Độ. Trong các tổ chức hợp tác thương mại tóm tắt ở biểu 1, Ấn Độ chỉ tham gia IPEF trong khi cả 10 nước ASEAN tham gia RCEP, bảy nước tham gia IPEF và bốn nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tóm lại, chuyển động địa kinh tế hiện nay có khuynh hướng nhắm vào ASEAN, tạo thuận lợi cho khu vực này phát triển hơn nữa.
Cơ hội mới của Việt Nam
Về cả hai thuận lợi của ASEAN so với Ấn Độ nói trên thì Việt Nam có ưu thế nhất trong các nước ASEAN. Yếu tố địa lý đã rõ. Với thuận lợi thứ hai, trong ASEAN chỉ có Việt Nam và ba nước khác là Singapore, Malaysia và Brunei tham gia cả ba tổ chức RCEP, IPEF và CPTPP. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU năm 2019. Có lẽ trong các nước đang phát triển, Việt Nam là nước ký nhiều FTA (song phương và đa phương) nhất và đây là thế mạnh, dễ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dễ tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Như biểu 2 cho thấy, quy mô các tổ chức thương mại tự do hay hợp tác kinh tế càng lớn càng trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Từ thập niên 2000, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở thành trọng tâm của công nghiệp thế giới, yếu tố quyết định cạnh tranh giữa các quốc gia là thể chế, vì thể chế quan trọng hơn tiền lương hay giá đất. Việt Nam hiện nay còn yếu về mặt này.
Ngoài ra, uy tín ngày càng tăng trên thế giới và quan hệ ngoại giao đa phương cũng làm cho Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư tin cậy. Trong hai năm nay, Việt Nam nâng quan hệ ngoại giao lên cấp cao nhất (đối tác chiến lược toàn diện) với Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản – là ba nước chủ yếu trên thị trường thế giới và là những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9-2023 có ý nghĩa đặc biệt. Một là Mỹ công nhận chế độ chính trị của ta khi nhận lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai là Mỹ muốn chọn Việt Nam làm một trong những nơi tham gia chuỗi cung ứng chip bán dẫn, một sản phẩm chiến lược mà họ đang chú trọng phát triển.
Những ưu thế, thuận lợi của Việt Nam trên thực tế đã phản ảnh trên những dự án FDI ở Việt Nam gần đây cũng như trên kết quả điều tra về ý hướng, dự định của doanh nghiệp nước ngoài liên quan địa điểm họ muốn đầu tư trong tương lai.
Về các dự án FDI gần đây, LG Innotek của Hàn Quốc đầu tư 1 tỉ đô la sản xuất linh kiện điện thoại thông minh ở Hải Phòng. Công ty SMC của Nhật Bản đầu tư 120 triệu đô la ở Đồng Nai để sản xuất máy chế ngự tự động. Apple chuyển nhiều cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã thúc đẩy nhiều công ty cung ứng trong dây chuyền sản xuất của họ sang Việt Nam đầu tư. Công ty con của Foxconn ở Singapore đầu tư 200 triệu đô la sản xuất linh kiện điện tử ở Quảng Ninh. Một công ty con khác của Foxconn ở Đài Loan đầu tư 621 triệu đô la sản xuất hàng điện tử ở Bắc Giang. Công ty BYD của Trung Quốc đầu tư 140 triệu đô la sản xuất pin ở Phú Thọ…
Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) vào tháng 8 và tháng 9-2023 đã thực hiện cuộc điều tra đối với 1.230 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên thế giới. Kết quả cho thấy những nước được họ chú trọng, sẽ đầu tư theo thứ tự ưu tiên là Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, EU, Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ. Đáng chú ý là Việt Nam xếp thứ hai, đứng trên cả những nước lớn như Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Vì là thị trường quá lớn, Trung Quốc trước đây luôn dẫn đầu trong các cuộc điều tra nhưng do rủi ro địa chính trị, kinh tế bây giờ đã tụt hạng.
Chuẩn bị điều kiện để tận dụng cơ hội
Cơ hội đang đến với Việt Nam. Nhưng Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội. Theo tôi, cần cải thiện các vấn đề sau:
Thứ nhất, khẩn trương cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, kỹ sư cơ khí, điện tử có khả năng sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin đang rất khan hiếm. Các trường đại học và Nhà nước cần quan tâm tập trung đào tạo ngành, nghề trên. Điều kiện cần này nếu không được cải thiện sớm thì không thể có nhiều dự án FDI chất lượng cao.
Thứ hai, cần tập trung cải thiện hạ tầng. Ở phía Bắc đang thiếu điện trầm trọng. Ở phía Nam, nhất là tại TPHCM và vùng phụ cận, các khu công nghiệp đã được lấp đầy nên giá thuê đất rất cao. Những điểm nghẽn này nếu không sớm khai thông thì sẽ cản trở dòng thác đầu tư mới.
Thứ ba, liên quan hạ tầng phần mềm – thủ tục hành chính và thời gian quyết định cấp phép, cấp visa hoặc giải quyết các vấn đề nảy sinh mà doanh nghiệp cần đến cơ quan công quyền. Từ thập niên 2000 khi các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở thành trọng tâm của công nghiệp thế giới, yếu tố quyết định cạnh tranh giữa các quốc gia là thể chế. Vì thể chế trong đó gồm thủ tục hành chính và sự minh bạch của các chính sách ảnh hưởng đến chi phí và thời gian vận chuyển của linh kiện và sản phẩm giữa các cứ điểm sản xuất. Đối với năng lực cạnh tranh của một quốc gia, yếu tố thể chế này quan trọng hơn tiền lương hay giá đất. Việt Nam hiện nay còn yếu về mặt này.
Theo đánh giá của doanh nghiệp Nhật Bản, thủ tục hành chính (như xin visa cho nhân viên lưu trú dài hạn, xin mở rộng kinh doanh,…) còn nhiêu khê, luật lệ, chính sách còn chưa thật rõ ràng, minh bạch và được áp dụng tùy tiện là những vấn đề cần cải thiện. Trong các nước ASEAN, Singapore, Thái Lan và Malaysia được đánh giá cao về hạ tầng mềm. Việt Nam, Philippines và Indonesia sẽ cạnh tranh với nhau trong việc cải thiện hạ tầng phần mềm này. Nếu Việt Nam chậm trễ sẽ mất lợi thế với nhiều nước ASEAN.
Thứ tư, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong việc tiếp cận với nguồn vốn và đất để đầu tư. Doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh mới có thể tham gia liên doanh được với các dự án FDI mới, mới tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đa quốc gia. Đây cũng là chính sách gián tiếp làm giảm hoặc không làm tăng hơn sự phụ thuộc kinh tế vào FDI.
Thứ năm, để thu hút các dự án đầu tư chiến lược như sản xuất chip bán dẫn, Nhà nước cần có vai trò tích cực với các chính sách yểm trợ hiệu quả. Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác đang triển khai các chính sách công nghiệp rất tích cực. Chẳng hạn để lôi kéo TSMC của Đài Loan, công ty sản xuất chip bán dẫn lớn và mạnh nhất thế giới, vào đầu tư ở tỉnh Kumamoto, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ tài chính và chính quyền địa phương miễn tiền thuê đất đầu tư.
Địa kinh tế ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đang chuyển động theo hướng có lợi cho Việt Nam. Việt Nam nên tận dụng cơ hội hiếm có này để đưa nền kinh tế vào giai đoạn phát triển mới.
GS. Trần Văn Thọ