Minh Thanh -
Cách đây mấy hôm, chị bạn tôi ở Thủ Đức (TPHCM) đưa cô con gái nhỏ đi tới tham quan nhà thờ Đức Bà, quận 1, TPHCM và cho con gái đi dạo đường sách Nguyễn Văn Bình.
Khi đi đến ngã tư Tôn Đức Thắng và Lê Duẩn, chị muốn rẽ trái đi vào đường Lê Duẩn nhưng không tài nào sang đường được. Khi đèn giao thông từ đỏ chuyển sang xanh cũng là lúc xe ô tô ở làn đường phía giữa chạy thẳng và rẽ phải, còn ở chiều ngược lại có đủ các phương tiện chạy thẳng vì vậy mà xe máy chị ở làn phía ngoài dù bật đèn xi nhan nhưng không biết làm sao sang đường. Vì bị xe phía sau bấm còi inh ỏi, chị đành chạy thẳng tới trước cổng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM rồi rẽ trái quay lại ngã tư tiếp tục rẽ phải để đi vào đường Lê Duẩn. Chị nói rằng, dù là người hay đi từ Thủ Đức vô trung tâm thành phố nhưng ở nhiều ngã tư chị thấy thật khó để rẽ trái sang đường. Tôi nghĩ, đây cũng là khó khăn của nhiều người dân thành phố.
Quan sát các ngã ba, ngã tư của trung tâm thành phố, tôi thấy có rất ít cột đèn tín hiệu giao thông có pha rẽ trái, cho phép các phương tiện lưu thông ưu tiên đi trước vì khi đèn giao thông báo tín hiệu rẽ trái, các phương tiện được chuyển hướng an toàn. Ví dụ, ở ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), khi phương tiện đi theo hướng từ Bình Thạnh về quận 1 muốn rẽ trái tại ngã tư này luôn có đèn báo hiệu ưu tiên cho phương tiện rẽ trái trước chừng hơn 10 giây sau đó mới báo hiệu cho phương tiện di chuyển theo hướng đi thẳng. Những giao lộ như D1 và Điện Biên Phủ hay Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh-Lê Thánh Tôn lượng xe cộ rất đông nhưng nhờ có đèn rẽ trái nên giảm bớt sự lộn xộn dù vẫn gây ra sự kẹt giờ cao điểm hàng ngày.
Nhiều người sống đủ lâu ở thành phố có thể “thích nghi” bằng cách bật đèn xi nhan kéo ga sớm một vài giây, hay cứ nhấn ga mà chuyển hướng rồi người khác ắt tránh mình, hoặc chạy quá giao lộ một đoạn đường rồi quay ngược lại... Và sự thích nghi theo cách này dần dần đã thành quen nếp mỗi khi bước ra đường, đúng là họ điều khiển xe thành thạo, đủ bình tĩnh để đạt được mục đích là rẽ trái sang đường, nhưng lại mang nhiều rủi ro có thể cho bản thân họ và người khác. Với cư dân sống lâu năm ở TPHCM là vậy nhưng với người dân ở địa phương khác tới thì không chỉ toát mồ hôi để chuyển hướng rẽ trái sang đường mà đôi lúc còn lúng túng chôn chân giữa giao lộ vì không sao thoát ra khỏi dòng xe tấp nập không ai nhường ai.