Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Thăng trầm mong chờ một ngày cái nghề “tay lấm đất” trở lại thời phồn vinh

(SGTT) - Đâu đó vài hộ dân còn sót lại tại làng gốm Lái Thiêu vẫn rực lửa mỗi ngày, để có thể tiếp nối quá khứ với hiện tại, tiếp nối sự trường tồn với con người ngày nay. May mắn vẫn còn những người, những hộ yêu nghề với nỗ lực vực dậy ngọn lửa làng nghề gốm Lái Thiêu truyền thống.

Từ những câu chuyện của gốm, ta tìm lại những thứ bị lãng quên, những giá trị văn hóa và thẩm mỹ của một thời. Trải lòng với gốm, ta thấy phần nào bản thân mình trong đó, gốm cũng như con người, bởi tất cả chúng ta đều sinh ra từ "đất".

Vốn là ngành nghề truyền thống của nhân dân Thuận An, tỉnh Bình Dương. Vào những năm giữa thế kỷ XIX, những dòng gốm Lái Thiêu đã ra đời và bắt đầu phát triển vào đầu thế kỷ XX. Từ việc phát triển vượt bật ấy đã hình thành nên trung tâm gốm Lái Thiêu lừng danh xứ Nam Bộ.

Sản phẩm nổi tiếng của làng gốm dung dị này thường là các lu ché, chum, lọ, chén, bát, bình trà... Đặc biệt không giống những làng gốm khác, gốm Lái Thiêu đi sâu, tập trung chủ yếu vào các dòng gốm gia dụng và các sản phẩm thường dùng trong sinh hoạt.

Vừa đẹp lại vừa dễ sử dụng, gốm Lái Thiêu đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm qua. Nhưng cũng vì sản xuất những sản phẩm thực dụng, nên từ khâu tạo tác, lên ý tưởng, gốm Lái Thiêu đã đồng thời kết hợp những nhu cầu tiện ích lẫn hiệu quả mỹ thuật trong việc sáng tạo nên các dòng gốm dân dã. Sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, phong phú về hình dáng, bố cục, nội dung trang trí gốm Lái Thiếu vừa mang đậm chất hội họa vừa mang tính dân gian đã tạo nên nét đặc thù của dòng gốm thôn quê hào nhoáng này.

Với mục đích đưa những nét đẹp truyền thống vào đời sống hiện đại, do đó mỗi món đồ gốm đều được trau chuốt một cách tỉ mỉ bởi những đôi bàn tay khéo léo, như một giai nhân chuyên chở những nét đẹp văn hóa, những bức tranh đồng quê, các tập tục làng xã... gửi gắm vào trong gốm. Họa tiết trên gốm được lấy ý tưởng từ cuộc sống thôn quê, các tác phẩm mỹ thuật hay các bức chạm khắc đình chùa như: phù điêu bát âm, rồng chầu lá đề, tiên nữ... Những nét chạm khắc chìm nổi của mây trời, hoa lá như bung nở trong lòng gốm mỹ miều.

Bên cạnh đó, có những hộ gia đình chuyên làm gốm tại Thuận An đã kế thừa từ 4 đến 5 đời nghề của cha ông để lại, họ miệt mài vì tình yêu với nghề, với đời và với công lao bao đời gìn giữ. Những năm 1960 được coi là thời kỳ vàng son của gốm Lái Thiêu, sau khi ra lò các sản phẩm tinh xảo nhất sẽ được các thương buôn tụ về tranh nhau chuyển đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh, sang tận Lào, Indonesia, Philippines... Sản phẩm nơi đây hiện hữu trong mọi sinh hoạt của gia đình, từ trong nhà vườn đến bàn thờ tổ tiên, từ trong bếp ra đến hàng nước quanh xóm của khắp các cư dân Nam Bộ.

Nhưng trong những năm gần đây, ít ai còn thấy hình ảnh tấp nập của các thương buôn đến và đi, mà chỉ thấy những ngọn lửa hiu quạnh lác đác xuất hiện trong một, hai lò gốm và thỉnh thoảng thấy thấp thoáng có vài người đến lấy hàng mang đi buôn. Điều đáng tiếc là khoảng mấy mươi năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa đã đẩy người làng gốm phải đi làm thuê trong các nhà máy hoặc chuyển sang buôn bán để cuộc sống ổn định hơn, nên gốm Lái Thiêu cũng từ đó mai một dần.

Dẫu vậy, may mắn vẫn còn những người, những hộ yêu nghề với nỗ lực vực dậy ngon lửa làng nghề truyền thống. Vì lẽ đó mà hiện nay tại Lái Thiêu còn một vài gia đình vẫn tiếp tục duy trì sản xuất với sản phẩm chủ yếu chính là heo đất, chậu, một vài loại bình, bát,....và mong chờ một ngày cái nghề “tay lấm đất” sẽ trở lại thời phồn vinh.

Và dẫu trải qua bao biến cố thăng trầm, nghề gốm Lái Thiêu vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, vẫn giữ được những sắc thái riêng của mình trong quá trình tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Chỉ từ hình ảnh thực của vùng đất Nam bộ như con gà, con cua, con cá, cây chuối,… đã làm nên danh tiếng của một làng nghề thuộc vùng Nam Bộ, một làng nghề đầy tên tuổi của thời xa xưa nhưng vẫn vẹn nguyên cho đến thực tại.

Lê Thanh Lượng

Ảnh: Huỳnh Xuân Huỳnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cảnh sắc hoàng hôn trên hồ Dầu Tiếng

0
(SGTT) – Cách TPHCM khoảng 100km, hồ Dầu Tiếng sở hữu cảnh sắc khá hoang sơ, thu hút du khách đến cắm trại, ngắm...

Về Bình Dương thăm làng gốm Lái Thiêu trăm tuổi

0
(SGTT) - Cùng với gốm Cây Mai (TPHCM), gốm Biên Hoà (Đồng Nai) thì gốm Lái Thiêu (Bình Dương) là một trong ba "đỉnh"...

Khám phá nghề làm Hẩu của người Hoa ở Bình Dương

0
(SGTT) - Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Theo dòng chảy thời gian, người Hoa Phước...

Thăm làng nghề guốc mộc trăm tuổi ở Bình Dương

0
(SGTT) - Trải qua hơn 100 năm thăng trầm, nghề guốc mộc ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương không chỉ tạo...

Nghề tô điểm cho heo đất tại Lái Thiêu

0
(SGTT) - Làng nghề heo đất tại phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ra đời cách đây hơn 50 năm....

Cặp rồng được làm từ 14.000 lu, hũ ở Bình Dương...

0
Với chiều dài khoảng 29m, mô hình hai con rồng được lắp ghép từ hơn 14.000 lu, hũ gốm nung truyền thống ở thành...

Kết nối