Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tháng Ba về rong chơi nơi kiệt tác thiên nhiên xứ Nẫu

(SGTT) - Như nhiều du khách khi đến thăm Phú Yên, tôi chọn Gành Đá Đĩa là điểm du lịch đầu tiên bởi mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những cảnh sắc kỳ vĩ mà hiếm nơi nào có được.

Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) từ lâu đã là một danh thắng nổi tiếng và quen thuộc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nơi đây có những khối đá bazan với hình thù độc đáo xếp chồng nhau tạo nên vẻ đẹp đặc sắc. Nếu nhìn từ trên cao thì khối đá như khối tổ ong khổng lồ với màu đen huyền bí.

Leo trèo khám phá Gành Đá Đĩa là niềm ưa thích của nhiều bạn nhỏ, nhưng phải luôn có người lớn đi kèm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Việt An

Khám phá xong Gành Đá Đĩa, tôi ghé đến một farmstay trong xóm, cách đó chừng 1,5km. Đây là một trong số rất ít các cơ sở lưu trú khu vực lân cận gành. Giữa mảnh đất rộng rãi của farmstay là hai dãy nhà chỉ với 10 phòng, còn lại là khuôn viên tạo cảnh quan.

Không gian xanh thoáng đãng từ phía farmstay nhìn ra. Ảnh: Việt An

Căn nhà sàn bằng gỗ nằm trên triền dốc thoai thoải, lưng dựa vào đồi, trước mặt là đồng ruộng. Đi theo con đường mòn băng qua ruộng chừng 200m là bãi biển. Từ trên gác của nhà sàn phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy vùng biển xanh ngăn ngắt ở đối diện. Vì vậy, không gian phía trước farmstay cực kỳ thoáng đãng. Chỉ cần một bình trà ngồi nhâm nhi, buổi sáng chào bình minh, chiều nghe nắng đùa sau lưng, tối ngắm trăng treo dát vàng trên biển, sẽ thấy cảm giác bình yên đến lạ.

Buổi tối, căn nhà sàn lên đèn lung linh. Ảnh: Việt An

Mảnh vườn be bé trong khuôn viên của farm và khoảnh ruộng phía trước có trồng các loại rau và hoa theo mùa, dùng để chế biến các món ăn tại chỗ cho khách. Nhà nào có trẻ con có thể cho các bé cùng làm đất, trồng cây, cũng là một cách trải nghiệm thú vị. Nếu ai muốn nghỉ dưỡng thì chỉ cần loanh quanh ở farmstay, làm vườn, uống trà, đắm mình trong bầu không khí chưa vương khói bụi, hoặc đi dạo ngắm hàng cây duối cổ, loài cây bản địa đặc trưng và khá phổ biến ở An Ninh Đông. Như thế là đã đủ thư giãn!

Một góc vườn rau của farm. Ảnh: Việt An

Khu vực biển trước nơi tôi ở cũng là phần kéo dài về phía Nam của gành Đá Đĩa. Dải cát vàng mịn màng rộng đến 50m uốn theo bờ biển hình vòng cung, chạy từ gành Đá Đĩa qua Bãi Bàng đến mũi Mom. Sáng sớm, đi chân trần sát mép nước dọc theo bờ biển dài 1km này, vừa tập thể dục vừa tận hưởng không khí trong lành của tự nhiên, lại có thể ngắm mặt trời đỏ ối mọc lên từ đường chân trời. Biển ở đây có đoạn hơi dốc nên chỉ cần lội xuống một đoạn ngắn là nước đã đến ngang bụng. Bù lại, biển rất sạch và vắng người, nước xanh và trong, có thể thấy đáy. Nếu đi đông người, buổi tối có thể cắm trại trên bãi biển, bên ánh lửa bập bùng. Hôm nào có trăng thì khung cảnh càng thi vị hơn.

Biển Bãi Bàng trời và nước hòa làm một. Ảnh: Việt An
Một vài vết tích đá từ nham thạch sót lại trên bãi biển. Ảnh: Việt An

Từ bãi biển này đi về phía Nam bạn sẽ bắt gặp vài khối đá là tàn tích của dung nham núi lửa ngày xưa, tương tự như ở khu vực chính của gành Đá Đĩa. Nhìn từ xa chúng không khác gì bó than củi mà ai đó đã đánh rơi, văng tung tóe. Gần đó là các ghềnh đá nằm sát mép nước, đoạn nổi trên mặt nước cũng rộng chừng 20m tính từ bờ. Đến mùa xuân, rong rêu mọc nhiều, có loại tảo xanh non, có loại rong mơ vàng óng, tạo thành một điểm săn rêu thú vị không khác gì ở Cổ Thạch (Bình Thuận) hay biển Từ Thiện (Ninh Thuận).

Cuối bãi rêu này là mũi Mom, thật ra là một ngọn núi thấp, phần giáp biển bị sụt lún tạo thành vách đá dựng đứng cao khoảng 20m, phía trên khá bằng phẳng. Đá ở đây cũng là đá bazan dạng cột nhưng không tạo thành khối đều đặn và trải dài như ở gành Đá Đĩa, nhưng vẫn rất ấn tượng. Khu vực này chưa được nhiều du khách biết đến nên còn khá hoang sơ.

Bãi rêu xanh khá rộng, xa xa là mũi Mom dựng đứng. Ảnh: Việt An

Khám phá xong nơi đây, bạn nhớ đi vào trong xóm, ghé làng Phú Hạnh cũng thuộc xã An Ninh Đông. Ở đây bạn sẽ bắt gặp đá có mặt ở khắp nơi và được sắp đặt một cách khéo léo, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt.

Nghệ thuật xếp đá đặc trưng của làng Phú Hạnh. Ảnh: Việt An

Những con đường mòn được lèn chặt bằng đá cuội. Những hàng rào, vách tường, giếng nước, kể cả chuồng bò được làm từ các mảnh đá dài ngắn xếp chồng lên nhau một cách thẳng thớm. Chỉ đá và đá mà không có vật liệu nào khác, cẩn thận lắm thì người ta mới chêm một ít vữa xi măng ở phần sâu bên trong để đảm bảo. Thế nhưng những bức tường đá vẫn kiên cố trầm mặc theo thời gian.

Không chỉ gành Đá Đĩa, mà phải nói rằng đá và văn hóa đá đã tạo nên nét độc đáo của địa bàn này trên đất Tuy An. Bạn hãy một lần đến, ở lại và cảm nhận sự thú vị đó ở gành Đá Đĩa.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Phú Yên kỳ vọng tiếp tục lập ‘cú hích’...

0
(SGTT) - Tháng 11-2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã phối hợp với tỉnh Phú Yên công bố...

Ký sự sông Ba (kỳ cuối): Di sản dòng sông và...

0
(SGTT) - Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa...

Gợi ý 6 dòng thác nên ghé thăm khi đến Phú...

1
(SGTT) – Thác J’rai Tang, Vực Phun, thác Cây Đu hay thác H’ly là những dòng thác đẹp, còn khá hoang sơ mà du...

Cắm trại, ngắm hoàng hôn trên cù lao Mái Nhà

0
(SGTT) - Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách làng chài Phước Đồng khoảng 4km. Trên...

Mùa thu hoạch cói tại làng nghề dệt chiếu hơn 100...

0
(SGTT) - Cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km, làng nghề dệt chiếu cói ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An,...

Ngôi nhà lưu dấu ấn dòng gốm cổ hơn 300 năm...

0
(SGTT) - Nhà Quảng Đức Xưa nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, đầu đường qua cầu Lò...

Kết nối