(SGTTO) - Một ngày cuối thu, chúng tôi về Hàm Tân (Bình Thuận) để viếng thăm dinh Thầy Thím – khu di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia được nhiều người biết đến ở khu vực Nam Trung bộ. Dinh tọa lạc giữa khu rừng Bàu Cát thuộc địa phận thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, Hàm Tân, Bình Thuận.
Theo quốc lộ 55 từ phía Bà Rịa - Bình Châu, chúng tôi đi qua thị xã La Gi đông vui một đỗi thì rẽ vào con đường một bên có đồi cát trắng như bột sữa, một bên là đồng cỏ. Dinh Thầy Thím hiện ra trong nắng sớm tinh mơ.
Đi qua một khoảng sân rộng có nhiều cây cao bóng mát, chúng tôi đến dinh. Chánh điện dinh nằm chính giữa khu di tích, bên phải là miếu Thành Hoàng, bên trái là am thờ thần hổ. Trước chánh điện có bình phong “Long mã phụ hà đồ” (mặt trước), "Thanh long quá hải" (mặt trong). Bên trái và phải bình phong có tượng hắc, bạch hổ đứng chầu, khí thế oai phong.
Bước vào chánh điện, khói hương ngan ngát, không khí trang nghiêm. Có rất nhiều khách hành hương đến đây chiêm bái, ngưỡng vọng. Dinh có kiến trúc truyền thống, mang dáng dấp đình làng của cư dân Trung bộ thể hiện qua những mái ngói âm dương với độ dốc cong vừa phải, trên nóc có tượng lưỡng long tranh, những bức tượng phù điêu trên vách, trên cột. Tất cả do các nghệ nhân Huế chế tác, tạo cho du khách có cảm giác tìm về nơi nguồn cội, hướng vọng tiền hiền, tổ tiên.
Nghe chúng tôi hỏi thăm về dinh Thầy Thím, người giữ dinh kể, rằng tương truyền thời vua Tự Đức có hai vợ chồng đạo sĩ quê ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đạo sĩ là người tài đức, hay giúp đỡ người nghèo khó, căm ghét bọn quan lại hay ức hiếp dân làng. Ông bị triều đình kết tội gây rối, mưu toan bạo loạn và chịu hình phạt “Tam ban triều điển” (Chọn một trong ba thứ xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ).
Trước lúc bị hình phạt này, đạo sĩ đã biến dải lụa điều thành rồng bay về phương Nam. Hai vợ chồng dừng chân ở làng Tam Tân, ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân và đốn củi kiếm sống qua ngày. Tài đức của đạo sĩ nổi tiếng khắp vùng, từ đó dân làng hay gọi vợ chồng đạo sĩ bằng danh xưng thầy, thím.
Khi hai vợ chồng đạo sĩ qua đời, dân làng đã chôn cất họ ở khu vực Bàu Cát. Đến đời Thành Thái thứ 18 năm Bính Ngọ (1906), nhà vua xem xét lại nên đã xoá án và ban sắc phong “Chí đức tiên sinh, chí đức nương nương tôn thần”.
Khu mộ của hai vợ chồng đạo sĩ không nằm trong dinh mà cách dinh khoảng 3 km về hướng tây. Đường vào khu mộ xuyên qua con đường đá đỏ, hai bên có những thửa ruộng nhỏ xen kẽ những khu vườn vườn thanh long đang xanh mướt, trổ hoa trắng ngan ngát. Xa xa, vài ba chú bò nằm nhai rơm bên hè những ngôi nhà nhỏ, gọn, lợp ngói âm dương cũ kỹ.
Cảnh vật thanh bình yên ả. Trong khu vực mộ, có nhiều cây dầu lông cổ thụ chen lẫn những hàng sao, xà cừ, xoan… với âm thanh của gió vi vu xạc xào như tiếng sóng biển rì rào liếm nhẹ trên bờ cát trắng của bãi biển Kê Gà gần đó.
Ông Văn Công Sơn, trưởng ban quản lý Khu di tích dinh Thầy Thím, kể lại câu chuyện có thật hồi ấy tại thôn Tam Tân. Thầy thím mất trong một đêm mưa giông bão biển trong một căn nhà đơn sơ giữa rừng Bàu Cát. Để ghi nhớ công đức, dân làng Tam Tân lập đền thờ và lấy tro cốt lập mộ cho vợ chồng thầy ở Bàu Cát.
Bốn nấm mộ - 2 mộ của thầy thím và 2 mộ của đôi hắc, bạch hổ - được đắp bằng cát trắng mịn, vun vút cao, gây cho người khách nhiều cảm xúc man mác giữa một khung cảnh hoang sơ.
Truyền thuyết dân gian của địa phương cũng kể lại rằng, sau khi thầy thím qua đời, hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch, người ta lại thấy có đôi bạch - hắc hổ về phủ phục trước mộ như canh gác cho ngôi mộ. Đặc biệt, đôi hổ này không hề phá hại dân làng và cũng không hề trộm bắt, ăn thịt gia súc, người đời tôn trọng gọi là hai ông hổ với danh hiệu “Sơn lâm hắc - bạch hổ tướng quân”.
Về La Gi, Hàm Tân, dạo chơi làng biển, ghé dinh Thầy Thím tham quan, nghe kể chuyện xưa, thưởng thức đặc sản biển, sẽ là một chuyến đi đáng nhớ.
Hoàng Thám