(SGTT) – Tọa lạc tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, đền Đồng Bằng được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của địa phương.
- Gợi ý những món ăn nên thử khi ghé thăm Thái Bình
- Ngôi đền cổ có cây sanh di sản ở Thái Bình
- Ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi có hai bảo vật quốc gia ở Thái Bình
Theo Cổng TTĐT tỉnh Thái Bình, đền Đồng Bằng được người dân biết đến là ngôi đền linh thiêng, có từ thời vua Hùng Vương. Tục truyền rằng, vào đời vua Hùng Vương thứ 18, nước ta bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình phải lập đàn để triệu “Linh sơn Tú khí” về giúp nước dẹp giặc.

Khi ấy, thủy thần làng Đào Động đã hiện thân phò vua dẹp giặc và có công đầu trong việc trấn giữ tám cửa bể phía Tây. Kể từ đó, nơi đây là chốn địa linh, được người dân bốn phương ngưỡng vọng, lập đền thờ.
Vào thế kỷ 13, làng Đào Động còn là một trong những phòng tuyến quân sự quan trọng của nhà Trần, nơi đây là địa điểm đóng quân và luyện tập thủy chiến của quân binh. Trước khi ra trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng sĩ đều đến dâng hương cầu nguyện tại ngôi đền. Sau khi mất, ông được nhân dân thờ tự tại đây. Kể từ đó, đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương và các tướng sĩ nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên - Mông.

Không chỉ mang những giá trị lịch sử, đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như bảo tàng mỹ thuật đồ đồng, đồ đá, đồ gỗ... với diện tích nội tự là 6.000 m², gồm 13 tòa, 66 gian liên hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành quần thể ngôi đền với kết cấu theo kiểu “tiền nhị hậu đinh” khép kín, bề thế.

Các mảng kiến trúc hài hòa với những nét chạm trổ tinh xảo, hàng trăm hoành phi, câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thếp vàng về các chủ đề tứ linh, tứ quý, cùng các bộ lư hương, án thờ, long ngai và các công trình điêu khắc gỗ tinh xảo từ thời Khải Định, Bảo Đại, vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.

Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật, năm 1986, đền Đồng Bằng đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trở thành điểm nhấn trong du lịch Thái Bình. Hàng năm, lễ hội đền Đồng Bằng được tổ chức kéo dài khoảng một tuần, từ ngày 20-8 đến ngày 26-8 Âm lịch, thu hút người dân và du khách gần xa.

Lễ hội bao gồm phần lễ với các nghi lễ tế thần, lễ rước, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, được cử hành long trọng, uy nghi. Bên cạnh đó, phần hội cũng diễn ra sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như đua thuyền, hát văn, hầu bóng, kéo co, chọi gà, cờ tướng, đấu vật...
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.