(SGTT) – Hiện nay, nhiều người đang phải đối mặt trước những vấn đề về sức khỏe, vấn đề công việc, thu nhập, thói quen sinh hoạt bị đảo lộn trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Do đó, không ít người mệt mỏi, lo lắng và trầm cảm trong khoảng thời gian này.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy giúp bạn đọc gỡ rối những vấn đề tâm lý, cũng như tìm ra giải pháp vượt qua khủng hoảng trong mùa dịch.
SGTT: Xin chào chị, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, tâm lý bất ổn vì thói quen sinh hoạt, công việc bị thay đổi. Chị nhận định như thế nào về vấn đề này.
Phạm Thị Thúy: Hiện nay, nhiều người mắc phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý. Thói quen sinh hoạt, công việc bị đảo lộn khiến chúng ta dễ dàng cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Những vấn đề về chuyện gia đình, mối quan hệ vợ chồng, cách nuôi dạy con cái trong mùa dịch và cả việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa trong khoảng thời gian này cũng có thể trở thành những nguyên nhân khiến chúng ta bị căng thẳng, dễ cáu gắt, mệt mỏi... Vậy nên tôi cho rằng, trong khoảng thời gian này, bạn cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần thật tốt để vượt qua giai đoạn này.
Vậy trong trường hợp có người thân mắc bệnh về tâm lý như hoảng sợ, lo âu quá mức về tình hình dịch bệnh, chúng ta cần lưu ý điều gì?
Hiện tại, tình trạng F0, F1 đang phải điều trị tại nhà rất nhiều, vì vậy đây là một trong những vấn đề được quan tâm rất lớn. Ngoài vấn đề về sức khỏe thể chất, người bệnh thường gặp phải những vấn đề về tâm lý.
Đối với những gia đình có người thân mắc bệnh, chúng ta cần động viên, khích lệ tinh thần người bệnh, trao cho họ không gian phòng ở sạch sẽ, thoải mái. Hơn nữa, khuyến khích họ tập thể dục và hạn chế tiếp nhận các thông tin tiêu cực là điều cần thiết. Hiện nay, nhiều nhóm hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên viên tâm lý được tổ chức miễn phí nhằm giúp đỡ người bệnh, vậy nên nếu bạn có nhu cầu thì có thể liên hệ đến bác sĩ, chuyên gia để được hỗ trợ.
Nhiều người đi cách ly tập trung gặp phải vấn đề tâm lý vì sinh hoạt bị đảo lộn. Theo chị, trường hợp này chúng ta cần phải lưu ý cũng như có lời khuyên nào dành cho họ.
Theo tôi, người bệnh cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi thực hiện cách ly tại khu vực cách ly tập trung. Ngoài vật dụng thiết yếu, bạn có thể cầm theo sách, nhạc cụ, tranh vẽ,… nhằm tạo niềm vui, giúp tinh thần của mình và mọi người xung quanh lạc quan hơn. Đương nhiên, việc đảm bảo nguyên tắc 5K vẫn là yếu tố quan trọng đầu tiên.
Cần làm gì để có một sức khỏe tinh thần tốt trong khoảng thời gian này, thưa chị?
Chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta có một sức khỏe tinh thần tốt chính là luôn suy nghĩ tích cực. Hãy hạn chế tiếp xúc với thông tin tiêu cực, tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, học cách thích nghi với môi trường sống để hòa nhập tốt hơn.
Hãy nhớ luôn tạo niềm vui cho chính mình, cho người thân, bạn bè xung quanh bằng những hành động quan tâm, chăm sóc nho nhỏ hằng ngày. Một sức khỏe tinh thần tốt giúp bạn có thêm “sức đề kháng” trước tình hình dịch bệnh hiện tại, và nếu như bạn có mắc bệnh, việc giữ vững một tinh thần lạc quan, tích cực cũng sẽ góp phần rất lớn trong việc điều trị, phục hồi.
Cầm Uyển