(SGTT) - Những ngày cách ly xã hội để chống dịch Covid -19 cũng là thời gian cơ thể ít vận động hơn và có sự trì trệ nhất định. Trong khi đó, tác hại do lười vận động gây ra cho cơ thể rất đáng lo ngại như: giảm tuần hoàn máu, làm chậm quá trình trao đổi chất; mất ngủ; bệnh tim mạch; tăng nguy cơ trầm cảm...
- Thắc mắc mùa dịch: sụt cân không chủ đích và cách cân bằng, bổ sung dinh dưỡng mùa dịch
- Thắc mắc mùa dịch: Mang khẩu trang y tế 2, 3 lần có hại không?
Lười vận động là trạng thái chán nản, diễn ra khi chúng ta không muốn bỏ ra quá nhiều công sức vào việc gì đó. Đặc biệt trong một vài trường hợp cụ thể, lười vận động nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Để tìm cách hóa giải thói quen lười vận động, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hiện nay, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Vũ Kim Ngọc - Thạc sĩ Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM trong chương trình "Thắc mắc mùa dịch".
Hệ lụy từ việc lười biếng, thiếu vận động tại nhà trong mùa dịch
Béo phì: Lười vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân do lượng calo dư thừa trong cơ thể không được đốt cháy và ngày càng tích tụ nhiều hơn.
Phá hoại giấc ngủ: Khi vận động, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm. Ngược lại, khi bạn lười biếng và không hoạt động, phần năng lượng dư thừa sẽ gây mất ngủ khiến bạn tỉnh táo suốt cả đêm.
Bệnh tim mạch: Tim là một cơ bắp giống như bất kỳ cơ bắp khác trong cơ thể, nếu không được luyện tập thường xuyên, nó cũng bị suy yếu. Bình thường, bạn không vận động nên tim không có cơ hội luyện tập. Khi bạn đột nhiên di chuyển nhanh hay bước lên vài bậc thang, tim không thể xử lý được khiến bạn thở dồn dập. Huyết áp của bạn tăng cao, dẫn đến nguy cơ đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Làm chậm quá trình trao đổi chất và giảm tuần hoàn máu: Khi cơ thể không hoạt động, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng sẽ bị trì hoãn và tốc độ cũng chậm đi. Vận động càng ít, tuần hoàn máu càng chậm, điều này đồng nghĩa với nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe càng cao.
Tăng nguy cơ trầm cảm: Theo các chuyên gia y tế, những người có hoạt động thể chất thường xuyên ít bị stress hơn. Tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện sức khỏe, giúp tránh stress và trầm cảm. Vận động có thể được xem là một cách giúp giảm stress và trầm cảm.
Chính vì những hệ lụy trên, chuyên gia tâm lý Vũ Kim Ngọc khuyến khích mỗi người hãy nên đặt mục tiêu và lập danh sách những việc cần làm mỗi ngày, tránh để bản thân rơi vào trạng thái lười biếng, thiếu vận động trong mùa dịch.
Những ai thường xuyên lười vận động hãy thay đổi ngay những thói quen xấu trước khi chúng tàn phá sức khỏe, chủ động xây dựng một lối sống lành mạnh và đừng chần chừ. Việc vận động đều đặn và thường xuyên cũng sẽ là một yếu tố quan trọng tạo cho bạn động lực mạnh mẽ hình thành lối sống lành mạnh.
Đồng thời, bạn không lạm dụng mạng xã hội quá nhiều: Facebook, Twitter hay các mạng xã hội khác. Chính việc này khiến cho cơ thể cảm thấy uể oải và lười vận động. Hãy ngừng sử dụng mạng xã hội, bạn sẽ thấy hứng khởi làm những việc mà bản thân đã đặt ra trước đó.