(SGTT) - Mới đây, Bộ Y tế vừa kêu gọi các F0 đã điều trị khỏi Covid-19, góp sức tham gia công tác phòng chống dịch tại TPHCM. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng họ phải liên lạc với cơ quan nào và điều kiện về sức khỏe như thế nào khi đăng ký tham gia chống dịch?
- Thắc mắc mùa dịch: Lưu ý để tránh lây nhiễm khi chăm sóc F0 tại nhà
- Thắc mắc mùa dịch: 3 bài tập giúp F0 giảm triệu chứng khó thở
Trong thư ngỏ gửi các F0 khỏi bệnh, kêu gọi tham gia chống dịch tại TPHCM, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã thiết tha mong đợi sự tham gia của các F0 (đã điều trị khỏi) vào công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Ông nhấn mạnh sự chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết chiến thắng bệnh tật của những F0 đã khỏi Covid-19, là một phần trong các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở thành phố hiện nay. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định bất kỳ vị trí, công việc nào mà các người bệnh tham gia đều được ông và toàn thể nhân dân TPHCM trân trọng, biết ơn.
Phương thức đăng ký
Khi cảm thấy có đủ điều kiện sức khỏe, niềm tin và mong muốn chung tay góp sức, các F0 có thể đăng ký tham gia chống dịch Covid-19 tại phòng tổ chức cán bộ, Sở Y tế TPHCM, theo số điện thoại 028.393.09967 hoặc 0907.574.269.
Các F0 đã khỏi bệnh có thể được phân công một số công việc ít hoặc không liên quan y tế như chăm sóc, liên lạc, hỗ trợ người bệnh...
Bộ Y tế sẽ xác định lực lượng này dựa trên 2 vấn đề:
- Các F0 sau khi khỏi bệnh tự nguyện đăng ký tham gia.
- Những người này được xác định là có kháng thể với SARS-CoV-2 (thông qua test nhanh Covid-19). Sau đó, các F0 sẽ được bố trí điều kiện hợp lý.
Các yêu cầu với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19
Theo công văn số 7316/BYT-MT được ban hành bởi Bộ Y tế, gửi tới UBND các tỉnh, thành phố về hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với lực lượng tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch.
Các lực lượng được cử tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương gồm nhân viên y tế, sinh viên khối ngành sức khỏe, các lực lượng khác như cán bộ y tế nghỉ hưu, giáo viên, thanh niên, tăng ni phật tử/tu sĩ, lái xe... phải đảm bảo đủ chế độ, chính sách y tế, lao động - xã hội, ưu tiên tiêm vắc-xin và xét nghiệm cho các nhóm lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Dưới đây là những yêu cầu chung dành cho người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch:
- Đủ điều kiện sức khỏe về thể chất, tinh thần, không mắc bệnh nền, mạn tính; lưu ý không cử phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi hỗ trợ chống dịch.
- Không thuộc đối tượng tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày trước khi làm nhiệm vụ; không có các biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở, đau rát họng...
- Đã được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19.
- Được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào hỗ trợ (tối đa 72 giờ), định kỳ 3 ngày/lần trong thời gian công tác và trước khi kết thúc đợt công tác.
- Được tập huấn về nội quy phòng, chống dịch, nhiệm vụ, đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện bảo vệ; được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, quy định về phòng, chống dịch, các thông tin liên quan đến địa phương, đơn vị công tác.
Ngoài ra, sau khi hoàn thành thời gian tham gia công tác, những người này cũng phải đảm bảo làm xét nghiệm Covid-19 trước khi trở về đơn vị, đồng thời thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn với người về từ khu vực có dịch.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với F0, đã tiêm đủ liều thì sẽ thực hiện cách ly y tế tại nơi lưu trú trong 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe và xét nghiệm RT-PCR (2 lần) vào ngày đầu và ngày cuối.
Với người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với F0 nhưng chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều thì phải cách ly tại nơi lưu trú 14 ngày, làm xét nghiệm RT-PCR (2 lần) vào ngày đầu và ngày cuối, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và thực hiện đầy đủ 5K của Bộ Y tế.
Minh Thảo