Khám phá thiên nhiên miền núi phía Bắc trong không khí Tết bằng xe máy theo nhóm có thể là một gợi ý thú vị và an toàn cho các “phượt thủ” muốn du Xuân trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

Mồng 7 Tết Nhâm Dần này, chúng tôi (từ TPHCM và Đà Nẵng) lên kế hoạch đi Tây Bắc và Đông Bắc bằng xe máy Xuân Tân Sửu (2021) khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hầu hết đã tiêm đầy đủ vắc-xin. Chúng tôi dự định đến những điểm mà bỏ lỡ trong những chuyến đi trước (2019 và 2020) cũng như đã tạm hoãn vào năm ngoái khi dịch bùng phát mạnh.

Những chuyến đi đến miền núi phía Bắc luôn tạo cảm giác tươi mới trong mỗi người chúng tôi dù đã đi nhiều lần vì cảnh vật thiên nhiên nơi đây khiến chúng tôi mê mệt.

Vượt đèo Pha Đin trong sương

Trẻ em trong thung lũng mận Nà Ka, Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nhân Tâm

Quay ngược thời gian chuyến đi đầu Xuân 2020, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát ở Việt Nam. Sáng ngày mồng 5 Tết, chúng tôi – người từ Sài Gòn, người từ Đà Nẵng – gặp nhau tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), đón xe đến ga Hà Nội để lấy xe máy đã gửi bằng tàu hỏa từ trước đó. Hành trang của chúng tôi là một valy đựng quần áo và vật dụng cá nhân, bao gồm áo ấm và mũ len cùng một túi xách đựng máy ảnh. Mỗi người đi một xe máy và cột hành lý phía sau.

Sau khi đổ xăng, ăn sáng, uống cà phê và xem lại hành trình trước khi bắt đầu tiến thẳng đến thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đoạn đường từ Hà Nội đến Mộc Châu dài khoảng 200km đi qua tỉnh Hòa Bình với những đoạn đường đèo một bên là núi một bên là thung lũng với những cánh đồng bát ngát và đồi núi trập trùng. Sau vài lần nghỉ nghơi, ngắm cảnh và chụp hình, 19:00 chúng tôi đến trung tâm thị trấn Mộc Châu trong không khí se lạnh, thưởng thức đặc sản Mộc Châu và nghỉ ngơi cho hành trình ngày mai.

Đèo Pha Đin trong sương nối liền Điện Biên và Sơn La. Ảnh: Nhân Tâm

Sáng sớm hôm sau chúng tôi đến thung lũng mận Nà Ka. Nằm trên đường vào xã Tân Lập, thung lũng mận Nà Ka chỉ cách đồi chè trái tim khoảng 6,7km và cách thị trấn Nông trường Mộc Châu 16km. Phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống trong mùa Xuân, bạn có thể thấy thung lũng Nà Ka được phủ bởi những hoa mận trắng và hoa cải vàng. Chụp hình hoa mận, hoa cải cùng trẻ em vùng cao, hít thở không khí trong lành, se lạnh là cảm giác thú vị mà chúng tôi có được.

Rời khách sạn ở Mộc Châu với giá phòng 300.000 đồng/đêm/2 người, chúng tôi tiến đến đèo Pha Đin cách xa hơn 140km.

Chúng tôi leo lên đèo Pha Đin dài khoảng 32km với tốc độ chỉ 20km/h vì sương mù dày đặc, địa thế hiểm trở, chênh vênh, con đường đèo ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua nguy hiểm. Đứng trên đỉnh đèo với độ cao hơn 1.600m so với mức nước biển và chụp hình trong sương mù khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi trong chặng đường đã qua.

Khung cảnh núi rừng Tây Bắc mờ ảo trong sương. Ảnh: Nhân Tâm

Qua ngày tiếp theo, sau khi đã “nai nịt gọn gàng” chúng tôi vượt qua đoạn đường hơn 100km tiến thẳng đến thành phố Điện Biên Phủ, tham quan tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1 và di tích hầm De Castries.

Rời thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi quyết định men theo con đường sát biên giới Tây Bắc, vượt gần 250km đến thôn A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên – nơi được mệnh danh là “1 con gà gáy cả ba nước đều nghe thấy” (Việt Nam, Lào và Trung Quốc).

Trên đỉnh đồi A 1 nổi tiếng tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Nhân Tâm

Càng lên cao không khí càng se lạnh và khung cảnh thiên nhiên càng ngày càng đẹp khiến chúng tôi không ngừng dừng chân giữa đường để ngắm và chụp hình.

Vượt cao nguyên đá, ngắm dòng Nho Quế

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại biên giới khá phức tạp, nên chúng tôi không thể đến điểm cực Tây tổ quốc như dự kiến.

Thay vào đó, từ trung tâm xã Sín Thầu, chúng tôi đi ngang từ Tây sang Đông qua các địa phương như huyện Mường Tè, thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu), băng qua đèo Ô Quý Hồ – một trong tứ đại đèo khác của vùng Tây Bắc – để đến thị trấn Sapa (tỉnh Lào Cai) dài hơn 360km nhiều sương mù và mưa. Vì vậy chúng tôi phải mặc thêm bộ đồ mưa suốt đoạn đường đi.

Đèo Ô Quý Hồ, đường lên Sapa mờ trpng sương. Ảnh: Nhân Tâm

Sau một đêm ngủ tại Sapa và thưởng thức đặc sản tại đây trong sương mù của vùng núi Tây Bắc, chúng tôi bắt đầu hành trình đến cao nguyên đá Đồng Văn (hay còn có cái tên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn) thuộc tỉnh Hà Giang với hành trình 350km.

Lang thang trên những nẻo đường cao nguyên đá Đồng Văn bằng xe máy giúp chúng tôi cảm nhận trước khung cảnh tuyệt đẹp của biển mây trên cổng trời Quản Bạ,thung lũng Sủng Là với những mái nhà tường trình nhỏ nhắn, chúng tôi đến tham quan dinh thự vua Mèo và cột cờ Lũng Cú.

Cung đường lên Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Nhân Tâm

Khi đến Lũng Cú đã 19:00, chúng tôi quyết định ngủ tại nhà nghỉ của người Lô Lô với giá 350.000 đồng/đêm/phòng 4 người để sáng mai lên chụp hình cùng với cột cờ Lũng Cú.

Tuy nhiên, thật không may, đến 8:00 nhưng sương mù vẫn vây quanh cột cờ Lũng Cú, nên chúng tôi quyết định xuống núi, vượt qua Mã Pí Lèng – tứ đại đèo thứ 3, đến với sông Nho Quế và hẻm Tu Sản cũng như con đường Hạnh Phúc nổi tiếng.

Mưu sinh trên cao nguyên đá. Ảnh: Nhân Tâm

Sông Nho Quế chảy trên dải đất Việt Nam khoảng 46 km, qua lớp đá tai mèo lởm chởm của hệ thống công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tạo nên dòng chảy mạnh với vô số thác ghềnh trắng xóa. Đi xe máy từ đèo Mã Pí Lèng xuống con sông Nho Quế là một cảm giác phiêu lưu thú vị vì con đường rất nhỏ, chỉ đủ cho 1 xe máy với 1 bên là vực một bên là núi. Xuống đến bờ sông Nho Quế, thuê thuyền tới hẻm Tu Sản, ngước nhìn lên những vách núi dựng đứng, bầu trời cao vời vợi.

Rời sông Nho Quế và cung đường Hạnh Phúc cũng là lúc chúng tôi bắt đầu hành trình trở về Hà Nội, kết thúc chuyến phượt thú vị hơn 10 ngày.

Bạn trẻ du ngoạn trên dòng sông Nho Quế, Hà Giang. Ảnh: Nhân Tâm

Chúng tôi về Hà Nội theo cung đường Hà Giang – Cao Bằng – Bắc Kạn – Tuyên Quang – Phú Thọ – Vĩnh Phúc và tiếp tục đắm mình trong thiên nhiên xanh mát của rừng núi phía Bắc.

Về đến thủ đô, chúng tôi đến ga Hà Nội, gửi xe máy về lại Đà Nẵng và Sài Gòn, nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản Hà Nội và trước khi ra sân bay Nội Bài để đi về theo kế hoạch đã định.

Cung đường Hạnh Phúc trên đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang. Ảnh: Nhân Tâm

Đi xe máy riêng, theo nhóm và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch an toàn, chúng tôi tin rằng sẽ có hành trình thú vị và là gợi ý cho những ai muốn du Xuân trong an toàn.

Một số hình ảnh khác trong hành trình khám phá miền núi phía Bắc, để nhớ những ngày còn thoải mái khám phá những nét đẹp đất nước và có thêm động lực cho chuyến đi lần này.

Nhân Tâm

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây