(SGTTO) - Thời nay, dù mọi thứ đủ đầy nhưng chỉ cần tình cờ bắt gặp một trong các loại bánh, kẹo quen thuộc của thời thơ ấu thì kỉ niệm xưa chợt ùa về đầy xúc động.
Dư vị ngày tết thuở nhỏ với những món bánh, kẹo, mứt ngon lành đã in sâu vào tâm khảm của nhiều người. Có những điều tưởng chừng đã lãng quên khi chúng ta bận rộn với cuộc sống hiện đại đầy hối hả, nhưng trong một khoảnh khắc chỉ cần nhìn thấy một điều gì đó gợi nhớ, những kí ức xa xưa bỗng ùa về vẹn nguyên, tròn đầy như chỉ mới ngày hôm qua. Đặc biệt, những kí ức của tuổi thơ luôn sống động, đáng nhớ và đôi khi khiến chúng ta nhói đau mỗi khi nhớ về.
Cốm
Những khối cốm vuông vức gói trong giấy màu để cúng ông bà là tất cả những gì trẻ con ngày xưa chờ đón vào dịp tết. Để làm ra cốm, người ta đem gạo nếp đi rang cho nở bung ra thành nổ, bước này gọi là nổ cốm. Đường được thắng lên rồi cho thêm vào gừng thái sợi. Sau đó trộn cốm đã nổ cùng với đường thắng và nho khô. Cốm sau khi được trộn xong được đổ vào một chiếc khuôn rỗng hai đầu gọi là hộc cốm. Trai tráng trong nhà sẽ dùng một chiếc nắp đè thật chặt xuống. Cốm đã ép xong được cắt ra thành những khối vuông vức rồi gói lại trong giấy kính đủ màu. Còn gì thú vị bằng đứa trẻ cẩn thận bóc từng gói kính bên ngoài, trầm trồ với miếng cốm đẹp mắt có hạt mứt nho ngay chính giữa rồi cắn một miếng cốm xôm xốp, ngòn ngọt.
Bánh in bột nếp
Trước tết, mỗi khi đi chợ về, bà hay mẹ thường có những cây bánh in được gói như hình kim tự tháp. Đây là những chiếc bánh được dâng lên cúng ông, bà tổ tiên ngày đầu năm mới. Bánh in bột nếp cưng cứng, cắn vào nghe tiếng “bụp” rồi bột đổ ra ngọt ngào đầy miệng đã là một phần tuổi thơ của nhiều trẻ nhỏ.
Theo như một vài tài liệu, bánh in có nguồn gốc từ kinh đô Huế xưa, nơi dân làng làm ra bánh in để tiến vua nên chiếc bánh in trông khá tỉ mỉ, cầu kì. Có lẽ vì bánh được in lên một mặt các chữ Phúc, Lộc, Thọ nên bánh được gọi với cái tên “bánh in”. Để làm ra bánh in, người ta trộn bột nếp, bột năng, đậu xanh xay và đường kính trắng lại với nhau rồi ép vào một khung gỗ có khắc chữ.
Bánh thuẫn
Kỉ niệm tuổi nhỏ giành nhau bánh thuẫn với anh chị em có lẽ là một miền kí ức không thể nào quên đối với nhiều người con miền Trung. Chiếc bánh thuẫn vàng óng có phần đáy trông như một bông hoa và phía trên nở bung ra. Bánh thuẫn là bánh nướng, khi ăn vào cứng và có vị ngọt. Để làm ra bánh thuẫn, người ta đánh đều hột vịt với đường và thêm vào chút vani thơm lừng. Đánh cho đến khi nào lấy một ít hỗn hợp vừa đánh và nhỏ vào chén nước thấy không bị hòa tan là đã hoàn thành công đoạn. Sau đó đổ hỗn hợp vào khuôn dành riêng cho bánh thuẫn.
Chiếc khuôn này đốt nóng bằng than, trên bề mặt có nhiều chiếc lỗ lõm xuống để đổ từng chiếc bánh. Điều thú vị là mỗi chiếc lỗ như một khuôn đúc có hình con cua, bàn chân, bông hoa… Vì thế, nếu lật đáy của chiếc bánh thuẫn lên sẽ thấy những hình dạng khác nhau. Bánh thuẫn thường được xếp lên thành hai chiếc tháp gọi là cây bánh thuẫn để dâng lên bàn thờ ông bà dịp tết.
Xí muội hoa mai
Không biết từ lúc nào, có lẽ cách đây cũng phải ba chục năm, những gói xí muội màu đỏ hình hoa mai đã là món khoái khẩu của những đứa trẻ con. Ngày ngày chúng hay chạy ra tiệm bánh kẹo đầu hẻm mua xí muội hoa mai. Những viên xí muội nhỏ xíu màu nâu, có vị chua chua ngọt ngọt đựng trong bao màu đỏ, bên ngoài bao in hình một cành mai trắng là dấu ấn tuổi thơ của rất nhiều người. Có lẽ vì bao bì rất hợp với ngày tết nên đây cũng là món ăn phổ biến trong ngày tết.
Nhắc xí muội hoa mai, mọi người thường nhớ tới ti tỉ món hàng khác tại tiệm tạp hóa hồi xưa. Mỗi khi được bố mẹ cho vài trăm đồng là đám trẻ con lại chạy ra tiệm tạp hóa chọn tới chọn lui, ngắm nghía từng cái bánh, hộp kẹo, viên bi ve, sợi dây thun, cái bong bóng…
Điều bất ngờ là xí muội hoa mai hiện vẫn còn bán và những đứa trẻ thời xưa giờ đã lớn vẫn tìm mua xí muội hoa mai để nhớ về tuổi thơ.
Hạnh Tâm