(SGTTO) - Ngày 24-7, Hyundai Thành Công - đơn vị sản xuất và kinh doanh mảng xe của Tập đoàn Thành Công cho biết họ thay đổi tên gọi thành TC Motor. Sự thay đổi này không đơn thuần là thay đổi về nhận diện của một đơn vị có bề dày về lắp ráp, sản xuất và kinh doanh xe 20 năm qua.
"Thay áo" để phát triển
Dù thông cáo gửi đến truyền thông không đề cập đến việc TC Motor sẽ có thêm thương hiệu xe hơi nào tại Việt Nam nhưng sẽ có kinh doanh, nghiên cứu phát triển, hệ thống đại lý... cho các thương hiệu khác bên cạnh thương hiệu Hyundai từ trước đến nay.
Trên thực tế, TC Motor không phải là một đơn vị "mới toanh" mà tiền thân của nó là Hyundai Thành Công - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xe của Tập đoàn Thành Công vốn kinh doanh nhiều lĩnh vực.
Tính đến tháng 7-2019, Hyundai Thành Công cùng với Thaco (Trường Hải Auto) và Toyota là ba thương hiệu chiếm thị phần cao nhất Việt Nam trong mảng xe du lịch. Đó là chưa kể đến mảng kinh doanh xe thương mại gồm xe tải, xe buýt và xe chuyên dụng.
Quay lại chuyện có hay không TC Motor sẽ mua lại mảng kinh doanh và thậm chí là sản xuất của một hãng xe thuộc thương hiệu khác. Dù TC Motor nói riêng và Tập đoàn Thành Công nói chung chưa cung cấp thông tin chính thức nhưng theo nguồn tin của Sài Gòn Tiếp Thị thì trong tương lai, đơn vị này sẽ phát triển thêm nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp xe hơi tại Việt Nam, có thể là phát triển một thương hiệu xe Việt.
Để làm điều này, đã từng có hãng xe Việt vừa làm thương hiệu riêng vừa mua lại hãng xe khác đang có để phát triển đó là VinFast. Công ty này đã mua lại hệ thống sản xuất, hệ thống đại lý của GM với thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam. Sau khi mua lại, một mặt VinFast vẫn phân phối các dòng xe nhập khẩu của Chevrolet và tận dụng hệ thống đại lý đã có, một mặt mua lại nhượng quyền để sản xuất dòng xe đô thị là Fadil.
Ba doanh nghiệp Việt trong "làng xe"
Trước đó, trong "thư ngõ"gửi đến báo giới, TC Motor cho biết họ sẽ hoạt động trong bốn lĩnh vực là nghiên cứu phát tiển (R&D) và sản xuất xe thương hiệu Hyundai và các thương hiệu khác; lĩnh cực phân phối bao gồm hệ thống phân phối thương hiệu Hyundai và các thương hiệu khác; lĩnh vực bán lẻ bao gồm hệ thống đại lý xe Hyundai và các hệ thống bán lẻ xe thương hiệu khác; lĩnh vực dịch vụ hoạt động cung ứng linh kiện, phụ tùng chính hãng, các dịch vụ vận tải - hạ tầng trong nước, quốc tế.
Như vậy, có thể nói rằng trong lĩnh vực kinh doanh, nếu TC Motor có thêm một thương hiệu xe hơi khác bên cạnh chuỗi Hyundai, các doanh nghiệp trong nước đang tạo nên thế "kiềng ba chân" theo hình thái phát triển đa dạng.
Cụ thể, VinFast đang sản xuất xe cùng thương hiệu và phân phối, kinh doanh xe Chevrolet tại Việt Nam. Trong lúc này, Thaco đang sản xuất nhiều dòng xe là các thương hiệu xe du lịch của nước ngoài tại Việt Nam như Mazda, KIA, Peugoet và phân phối thương hiệu xe sang BMW, MINI cùng với thương hiệu xe hai bánh cao cấp là Motorrad.
Một khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và cung ứng đủ tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm, xe từ Việt Nam không những đáp ứng nhu cầu trong nước với giá bán có thể giảm nhiều mà còn cơ hội cạnh tranh xuất khẩu vào các thị trường khu vực ASEAN, dựa vào các ưu đãi và điều khoản thương mại trong khối.
Chẳng hạn, xe du lịch của Hyundai được sản xuất tại Việt Nam với đầy đủ các yếu tố như chất lượng, tiêu chí kỹ thuật, tỷ lệ nội địa hóa... sẽ hoàn toàn thuận lợi hơn khi bán vào ASEAN về giá cả so với xe Hyundai nhập từ Hàn Quốc.
Nam Hưng