(SGTT) - Khi công nghệ phát triển, nhiều loại máy móc và thiết bị mới đã ra đời nhằm hỗ trợ việc theo dõi tình trạng sức khỏe, quá trình tiêu hao năng lượng trong hoạt động thể thao, đặc biệt là với loại hình tập gym, như đồng hồ đeo tay có đầy đủ các chỉ số về tim mạch, huyết áp, số đo bước chân...
Làm thế nào để kết hợp hữu hiệu việc tập luyện thể thao với công nghệ sao cho an toàn cho sức khỏe là vấn đề người tập cần hết sức lưu ý.
Công nghệ tích hợp tiện ích thể thao
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, các sản phẩm công nghệ trên thị trường phục vụ cho việc chơi thể thao nói chung và môn tập gym nói riêng hết sức đa dạng, từ đồng hồ thông minh tích hợp tai nghe Bluetooth, vòng đeo đầu với khả năng đo nhịp tim, máy theo dõi quá trình tập gym, đo nhịp tim và chấm điểm luyện tập, máy có tính năng phát hiện nguy cơ bị té ngã…
Những công nghệ này giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của người tập và hỗ trợ giúp quá trình tập hăng say, đốt cháy năng lượng nhiều hơn.
Chẳng hạn, thị trường hiện có loại đồng hồ đeo tay thông minh ItDeal của Nhật Bản với giá bán hơn 2 triệu đồng, có tính năng ghi lại chuỗi hoạt động, số lượng các bước chân, chế độ đi xe đạp, chế độ chuyển động, chế độ tập thể dục ngoài trời.
Đồng hồ này còn hiển thị thời gian, khoảng cách, mức tiêu thụ calo, đo nhịp tim, nghe nhạc, thông báo cuộc gọi đến...
Chiếc đồng hồ Fitbit Ionic của Mỹ có giá bán khoảng 7 triệu đồng cũng được nhiều người lựa chọn vì vừa có tính thời trang vừa tiện lợi cho các hoạt động thể thao hằng ngày.
Đây không chỉ là một chiếc đồng hồ cho người chạy bộ với khả năng phát nhạc mà còn giúp người tập biết được mình đang luyện tập ở mức độ nào. Thời lượng pin của đồng hồ này khoảng bốn ngày.
Bên cạnh đó, thị trường còn có công cụ vòng đeo đầu với khả năng đo nhịp tim cho hoạt động luyện tập và hướng dẫn người tập luyện tập thông minh, chuyên nghiệp, với pin dùng trong 4-6 tiếng đồng hồ nhằm theo dõi chạy bộ, đi bộ, đạp xe, với giá bán khoảng 2,3 triệu đồng.
Ngoài ra, các hãng công nghệ còn cung cấp các thiết bị fitness tracker (theo dõi hoạt động) – một dạng đồng hồ đeo tay thông minh giúp theo dõi hoạt động tập gym, xác định tuổi thể chất và tự động xác nhận kiểu luyện tập, tự động đếm số lần tập của từng động tác, chấm điểm luyện tập.
Giá bán của thiết bị này từ 4-6 triệu đồng. Thiết bị còn có tác dụng theo dõi giấc ngủ, chỉ số sức khỏe, nhắc nhở vận động khi ngồi quá lâu…
Nếu không thích dạng đồng hồ đeo tay, người tập có thể sử dụng các thiết bị vừa là tai nghe vừa theo dõi hoạt động tập gym, dành cho những vận động viên chuyên nghiệp hoặc người tập lâu năm.
Thiết bị này sử dụng công nghệ kích thích thần kinh giúp luyện tập hiệu quả, cải thiện độ bền bỉ và sự dẻo dai của cơ bắp, xương khớp. Giá bán của chúng hơn 14 triệu đồng.
Chuẩn bị sức khỏe trước khi tập gym
Những thiết bị kể trên tuy góp phần giúp theo dõi tình trạng sức khỏe cho người tập, nhưng người tập không nên chủ quan.
Bác sĩ Trần Minh Thiệu, người hiện làm việc ở khoa Nội soi Bệnh viện Trưng Vương TPHCM, cho rằng người tập nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi có ý định tập gym.
Việc này nhằm bảo đảm người tập hoàn toàn khỏe mạnh để chịu được cường độ cao của môn thể thao này.
Bên cạnh đó, người tập cần tìm đến một huấn luyện viên thể hình để được hướng dẫn các bước tập ban đầu phù hợp với sức khỏe.
Tập luyện với tư thế chuẩn, kể cả với chi tiết nhỏ nhất và nên tập các bài tập có tác dụng tăng sức khỏe hệ tim mạch.
Bác sĩ Thiệu khuyên người tập gym nên trò chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục nếu có bệnh tim bẩm sinh, tim mắc phải - nên đo điện tim và siêu âm tim để tầm soát.
Ngoài ra, người muốn tập gym cũng cần làm các xét nghiệm để phát hiện sớm các bệnh như tiểu đường, bệnh thận, viêm khớp, huyết áp cao hoặc có bị xơ vữa mạch máu cảnh cổ, mạch máu chi.
Cẩn thận hơn, người tập nên đến bệnh viện để chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não nhằm loại trừ các điểm bất thường về dị dạng mạch máu não, tránh đột quỵ khi tập gym ở giai đoạn gánh tạ nặng hơn.A
Người tập gym được khuyên nên đến bệnh viện kiểm tra nếu có các triệu chứng có thể liên quan đến tim, phổi hoặc bệnh nghiêm trọng khác, như đau hoặc khó chịu ở ngực, cổ, hàm hoặc cánh tay khi nghỉ ngơi hoặc trong khi hoạt động thể chất; chóng mặt hoặc ngất xỉu khi tập thể dục hoặc gắng sức; khó thở khi gắng sức nhẹ, khi nghỉ ngơi hoặc ngủ; sưng mắt cá chân, đặc biệt là vào ban đêm.Khi tập luyện, người có các bệnh nghiêm trọng cần tránh vận động quá sức, nên có huấn luyện viên quan sát và kiểm tra nhịp tim liên tục. Người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến tim mạch, hô hấp cần lưu ý chế độ tập luyện, dinh dưỡng và luôn kiểm tra nhịp tim, giữ nhịp tim ở vùng an toàn (thấp hơn 75% nhịp tim tối đa). Kiểm tra huyết áp mỗi ngày, huyết áp luôn giữ ổn định ở mức 120/80 mmHg.
Hoàng Nhung