(SGTT) - Trong khi mỗi lít xăng giảm 370-430 đồng, dầu lại tăng 1.390-1.430 đồng, lần đầu ghi nhận giá dầu đắt hơn giá xăng, theo Bộ Công Thương.
- 25 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị bỏ trích quỹ bình ổn, điều hành giá trong 24 giờ
- Xăng dầu giảm giá, hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15:00 hôm nay 1-9, mỗi lít xăng RON 95-III giảm 430 đồng, từ mức 24.660 đồng/lít xuống còn 24.230 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 370 đồng, từ mức 23.720 đồng/lít xuống còn 23.350 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng thêm 1.430 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 25.180 đồng/lít, dầu hỏa tăng lên mức 25.440 đồng/lít.
Sau khi kỳ điều chỉnh giá được kéo dài thêm bốn ngày do rơi vào ngày nghỉ lễ, giá xăng dầu chính thức được điều chỉnh theo quy định.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá dầu diesel, dầu hoả thành phẩm thế giới vừa qua tăng cao; còn xăng và dầu mazut giảm nhẹ. Bình quân mỗi thùng RON 92 (loại xăng dùng để pha chế E5 RON 92) giảm hơn 2%, về 105,4 đô la Mỹ; RON 95 cũng hạ còn 108,86 đô la Mỹ. Trong khi đó, dầu diesel tăng 9,3%, lên mức 143,02 đô la Mỹ; dầu hoả cũng tăng thêm hơn 9%, lên 140,78 đô la Mỹ.
Tại kỳ điều hành này, cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn giá xăng là 451-493 đồng/lít, với dầu mazut là 641 đồng/kg, còn chi quỹ đối với xăng dầu hỏa 100 đồng/lít và dầu diesel là 300 đồng/lít.
Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Giá dầu hôm nay quay đầu tăng mạnh khi thị trường dấy lên thông tin thiếu hụt nguồn cung sau khi G7 quyết định áp giá trần, dự kiến có hiệu lực từ tháng 12-2022 đối với dầu thô Nga. Đáp trả quyết định này, Nga tuyên bố sẽ không giao dầu và các sản phẩm chưng cất cho các nước đồng thuận, ủng hộ với quyết định của G7, đồng thời, phát đi cảnh báo sẽ ngưng cấp khí đốt nếu Liên minh châu Âu (EU) quyết định về một biện pháp tương tự với khí đốt Nga, theo Báo Công Thương.
Nguyễn Phong