(SGTT) - Cầu đường sắt Đồn Cả nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân, trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Cây cầu cổ kính được xây dạng vòm bằng đá tảng, trên một khúc đường sắt cong cong nơi sườn đèo.
- Đà Nẵng lần đầu tiên có Hoa hậu tham gia quảng bá du lịch
- Nghe phụ nữ Việt “kể chuyện” bằng hình ảnh tại Đà Nẵng
Cầu Đồn Cả đến nay đã hơn 100 năm hoạt động, được xây dựng cùng thời điểm với tuyến đường sắt Đà Nẵng - Huế . Cầu gồm bốn vòm cuốn lớn gác trên các trụ cũng xây bằng đá cao vút, bắc qua một khe suối từ trên núi đổ xuống biển tại bãi suối Kỵ.
Từ đỉnh đèo Hải Vân xuôi về phía Lăng Cô, qua cửa thông gió của hầm đường bộ Hải Vân một quãng ngắn, bên phải đường đèo có một con đường bê tông nhỏ chạy dốc xuống phía biển khoảng hơn 1km thì tới đường sắt.
Xe máy phải để lại ở đây (có thể khóa xe để ở đây hoặc chạy thêm một đoạn ngắn gửi ở ga Hải Vân Bắc ngay cạnh đó). Từ đó đi bộ dọc theo đường tàu ngược về phía Đà Nẵng khoảng gần 1km nữa thì đến cầu vòm Đồn Cả.
Cây cầu vòm bằng đá cong cong ẩn hiện giữa bạt ngàn màu xanh của rừng cây, bên trên một khe suối nhỏ, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Từ lâu, nơi đây đã là địa điểm lui tới của du khách mỗi khi đến Huế và Đà Nẵng.
Hơn nữa, suối ở đây rất mát, khối đá lớn nhỏ trên dòng suối đã vô tình tạo ra những hồ nước trong vắt dưới chân cầu. Vào những ngày nóng nực, được ngâm mình dưới những hồ nước mát lạnh vô cùng sảng khoái.
Thú vị nhất là khi đang ngâm mình dưới dòng suối mát, tận hưởng không khí trong lành của rừng xanh, nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào bên dưới, chợt nghe tiếng còi tàu rít lên trong gió và rồi lát sau đoàn tàu Thống Nhất từ từ vượt qua cây cầu cổ kính. Từ dưới suối nhìn lên, tàu như chạy ngang trời.
Cầu Đồn Cả là một địa điểm thú vị không quá xa thành phố Đà Nẵng, vừa có vẻ đẹp, vừa mang dấu ấn lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, đây là nơi tuyến đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua, nên du khách cần lưu ý đảm bảo an toàn.
Ngô Hòa Nam