(SGTT) - Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, và Hội đồng châu Âu (cơ quan đại diện cho 27 nước thành viên Liên minh châu Âu) đạt được thỏa thuận lịch sử về các quy định có thể giúp hàng triệu tài xế công nghệ làm việc cho các nền tảng gọi xe và giao hàng hóa, đồ ăn được xem là nhân viên chính thức. Điều này đồng nghĩa họ sẽ được bảo đảm các quyền lợi như nghỉ ốm và nghỉ phép được trả lương, được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu…
- Các hãng xe công nghệ phải cung cấp thông tin minh bạch khi thu phụ phí
- Dịch vụ gọi xe công nghệ ASEAN vào cuộc đua “vận tải xanh”
Thỏa thuận trên, đạt được hôm 13-12, nhằm cải thiện các điều kiện làm việc của đội ngũ 28 triệu lao động của nền kinh tế tự do (gig economy), nhận công việc từ cho các nền tảng trực tuyến.
Các quy định trong thỏa thuận này đặt ra 5 tiêu chí đánh giá, và nếu người lao động của các nền tảng đáp ứng ít nhất 2 trong số này, họ sẽ được xem là nhân viên chính thức. 5 tiêu chí đó bao gồm: nền tảng giới hạn thu thập, giám sát công việc từ xa, kiểm soát nhiệm vụ, hạn chế về giờ làm và kiểm soát các điều kiện làm việc, quy định cách ăn mặc hoặc hành xử của người lao động. Các nước thành viên EU vẫn có thể mở rộng danh sách các tiêu chí này trước khi thông qua.
Các nền tảng có quyền khiếu nại nếu có thể chứng minh rằng mối quan hệ với các tài xế công nghệ không phải là mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động với người lao động.
Trong nhiều năm, các công ty như Uber đã có thể né các quy định về mức lương tối thiểu và trả lương khi nghỉ phép bằng lập luận rằng tài xế công nghệ không phải là nhân viên mà là “nhà thầu độc lập” hay “người tự doanh”.
“Nếu bạn hoàn toàn phụ thuộc vào một thuật toán, một cỗ máy, để tổ chức công việc, quyết định thời gian nghỉ giải lao, tốc độ giao hàng…rất khó để xem bạn là người tự doanh. Trong trường hợp đó, bạn là nhân viên và bạn xứng đáng được hưởng các quyền lợi xã hội”, nghị sĩ Elisabetta Gualmini, người dẫn đầu của EP trong các cuộc đàm phán với các nước EU, nói.
Nghị viện châu Âu (EP) cho biết, theo các quy định mới, nhiều lao động của nền tảng trực tuyến ở châu Âu có thể được phân loại lại thành nhân viên chính thức và do đó, được tiếp cận các quyền lao động và phúc lợi xã hội như lương tối thiểu, hưởng lương khi nghỉ ốm, nghỉ thai sản, nghỉ phép, đóng bảo hiểm xã hội…
EP ước tính, ít nhất 5,5 triệu lao động của các nền tảng ở châu Âu có thể bị “phân loại sai thành người tự kinh doanh”. Số người làm việc cho các nền tảng trực tuyến ở châu Âu đang tăng nhanh và dự kiến đạt 48 triệu người vào năm 2025.
Các quy định mới cũng khẳng định người lao động của các nền tảng có quyền tiếp cận thông tin về cách hoạt động của thuật toán từ các ứng dụng và cách hành vi của họ ảnh hưởng đến các quyết định từ các hệ thống tự động. Các quy định cấm nền tảng sa thải tài xế công nghệ chỉ dựa vào thuật toán.
Các quy định trên sẽ trở thành luật một khi được các nước thành viên EU và EP thông qua, dự kiến trong vòng 2 năm tới.
Kể từ năm 2021, các cuộc đàm phán ở EU về nội dung của các quy định liên quan đến nền tảng trực tuyến đã trở nên căng thẳng. Các công đoàn và các nhà hoạt động lao động cáo buộc việc Uber vận động hành lang đã ảnh hưởng đến cuộc đàm phán. Tháng trước, người lao động của các nền tảng từ các nước châu Âu biểu tình bên ngoài tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels (Bỉ), giơ biểu ngữ có nội dung: “Đừng để Uber làm luật!”
Nhóm vận động hành lang Delivery Platform Europe, đại diện cho các nền tảng giao đồ ăn Uber Eats và Deliveroo cùng những nền tảng khác trước đây chỉ trích dự thảo các quy định trên. Các nền tảng trực tuyến cho rằng, tài xế công nghệ thích sự linh hoạt vì điều đó cho phép họ tìm việc ở nơi khác và tự quản lý giờ làm việc.
Các công ty thuộc nền kinh tế tự do như Uber lo ngại các quy định mới khiến họ tốn kém chi phí hơn, chẳng hạn như các khoản thanh toán bổ sung cho thời gian người lao động nghỉ sinh con và hoặc điều trị bệnh. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính, các quy định mới sẽ đẩy giá dịch vụ của các công ty như Uber và nền tảng gọi xe, giao thực phẩm Bolt lên 40%.
Uber và các công ty khác trong lĩnh vực này từng cảnh báo khách hàng, ngoài việc phải đối mặt với mức giá cao hơn, họ có thể sẽ được trải nghiệm chất lượng dịch vụ thấp hơn. Uber lưu ý, gánh nặng chi phí tăng thêm có thể buộc công ty phải ngừng dịch vụ ở các thành phố nhỏ.
Hôm 13-12, người phát ngôn của Uber cho biết, công ty ủng hộ các nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và hy vọng thỏa thuận trên đảm bảo sự rõ ràng về mặt pháp lý.
“Chúng tôi vẫn cam kết với châu Âu và sẽ tiếp tục ủng hộ một mô hình mang lại cho người lao động những gì họ muốn: sự độc lập, các lợi ích và tính linh hoạt”.
Cao ủy về việc làm và quyền xã hội của EU, Nicolas Schmit, hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được. “Các quy định mới sẽ đảm bảo những người làm việc trên nền tảng, chẳng hạn như tài xế, nhận được các quyền lao động và xã hội mà họ xứng đáng được hưởng mà không phải hy sinh tính linh hoạt của mô hình kinh doanh nền tảng”, Schmit nói.
“Đây là một thỏa thuận mang tính cách mạng và là khuôn khổ pháp lý đầu tiên trên thế giới dành cho những người làm việc trên nền tảng kỹ thuật số”, nghị sĩ Elisabetta Gualmini,, nói.
“Chúng tôi không muốn một thị trường lao động vô nhân đạo”, bà nói thêm. Bà trích dẫn trường hợp một người giao hàng ở Ý bị sa thải vào năm ngoái qua email tự động vì anh không hoàn thành việc giao hàng, mà nguyên nhân là vì anh tử vong chỉ vài giờ trước đó trong một vụ tai nạn giao thông.
Chánh Tài