Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Tại sao việc viết giúp phát triển tư duy và tạo ra cơ hội?

(SGTT) - Ngày 21-6-2024 chúng ta sẽ kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày này nhắc cho chúng ta về tầm quan trọng của việc sử dụng ngòi bút để chia sẻ các quan điểm quan trọng như thế nào. Tuy nhiên, cuộc sống công nghệ càng hiện đại dường như càng khiến chúng ta viết ít hơn và chi phí cơ hội của việc dành thời gian cho việc viết cũng lớn hơn.
Khi viết, chúng ta phải tổ chức và sắp xếp các ý tưởng của mình một cách rõ ràng và mạch lạc, điều này giúp cải thiện kỹ năng phân tích và tư duy phản biện. Ảnh: N.K

Cách đây vài hôm, tôi nhận được một câu hỏi từ một người bạn hiện đang làm quản lý ở một công ty tư vấn, anh muốn tham khảo ý kiến của tôi về việc liệu có cần thiết và phù hợp không khi viết một cái gì đó để chia sẻ kiến thức tư vấn doanh nghiệp mà anh ấy đã tích lũy trong nhiều năm. Tôi nghĩ anh ấy cũng như bất kỳ ai trong chúng ta đều nhận thức được rằng viết là một việc rất tốt, tuy nhiên điều quan trọng là làm sao chúng ta có đủ động lực để thực hiện việc này, đặc biệt là thực hiện nó một cách đều đặn. Việc nhận thức đúng sẽ giúp chúng ta nhận ra những giá trị quan trọng hơn của việc viết ra khỏi mục đích chia sẻ đơn giản đơn thuần.

Chi phí cơ hội của việc viết là không hề thấp với những người không chuyên viết. Ý nghĩa của việc chia sẻ kiến thức không đủ để hấp dẫn phần lớn chúng ta vượt qua những chi phí cơ hội khác để dành thời gian cho điều đó. Chúng ta cần phải khám phá ra những giá trị tiềm ẩn của việc viết với những người không chuyên, để có thể thấy rằng đó là một thói quen cần được rèn luyện và giá trị tiềm tàng nó có thể mang lại là rất lớn.

Viết là một cách rất hiệu quả để rèn luyện tư duy

Phát triển bản thân, đặc biệt là trong vấn đề chuyên môn của mình, luôn là điều tất cả chúng ta đeo đuổi. Trong đó, quá trình phát triển tư duy và nhận thức đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy việc phát triển của bản thân. Viết lách là lớp vỏ của tư duy, nó thể hiện cách chúng ta hiểu vấn đề như thế nào. Thông qua việc viết, chúng ta có thể nhìn nhận lại những tồn tại trong cách hiểu của mình về một vấn đề. Việc viết giúp chúng ta nhận ra những lỗ hổng trong tư duy của mình, từ đó cải thiện và phát triển khả năng suy luận logic. Khi viết, chúng ta phải tổ chức và sắp xếp các ý tưởng của mình một cách rõ ràng và mạch lạc, điều này giúp cải thiện kỹ năng phân tích và tư duy phản biện. Đây là những nấc thang quan trọng trong nhận thức của chúng ta về một vấn đề nào đó, góp phần kích thích tinh thần sáng tạo, tạo lập các khái niệm mới. Thang đo Bloom bên dưới cho chúng ta thấy về các cấp độ của quá trình nhận thức diễn ra từng bước như thế nào và viết là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta nâng cao nhận thức của bản thân.

Kỹ năng viết cũng giống như việc lái xe, dù có mệt mỏi như thế nào thì bạn vẫn phải lái xe, việc viết đều đặn sẽ giúp hình thành kỹ năng viết. Những người viết đều đặn như một thói quen sẽ có khả năng viết rõ ràng và mạch lạc hơn so với những người không thường xuyên viết. Việc duy trì thói quen viết lách không chỉ giúp cải thiện kỹ năng viết mà còn làm sắc bén tư duy. Khi viết thường xuyên sẽ giúp chúng ta có thêm động lực để cập nhật các thông tin mới cũng như khả năng tiếp nhận các thông tin đa chiều hơn, một yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển tư duy.

Việc viết ra giúp chúng ta có thể dễ dàng kết nối ý tưởng của mình với những phản biện từ người khác. Phản biện đóng vai trò quan trọng để giúp chúng ta vừa có thể hoàn thiện tư duy của mình về vấn đề đã viết, vừa giúp kết nối với các quan điểm tương đồng của những người xung quanh. Khi viết, chúng ta không chỉ truyền đạt thông tin, mà còn mở ra cơ hội để giao lưu và học hỏi từ những người khác. Việc chia sẻ ý tưởng và nhận phản hồi từ người khác giúp chúng ta nhìn nhận lại và cải thiện tư duy của mình, đồng thời cũng giúp chúng ta mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo ra những kết nối ý nghĩa.

Viết ra giúp hạn chế tư duy xét lại

Việc viết ra là một cách hiệu quả để chúng ta lưu lại các suy nghĩ và đánh giá của bản thân. Bản thân con người luôn gặp vấn đề với những định kiến, khi giải thích những điều đã xảy ra (hindsight bias) chúng ta luôn cố gắng nhìn lại quá khứ để giải thích vấn đề và luôn chọn các thông tin củng cố những gì đã diễn ra. Điều đó khiến chúng ta mắc kẹt trong quá trình tư duy. Những người thường xuyên viết nhật ký, khi phải ra quyết định, sẽ có khả năng tự nhận thức và đánh giá bản thân tốt hơn so với những người không viết, giúp họ tránh được các bẫy tâm lý và cải thiện quá trình tư duy. Việc viết nhật ký không chỉ là ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân trong quá trình ra quyết định, mà còn là quá trình tự phản ánh và đánh giá bản thân. Khi chúng ta viết, chúng ta có cơ hội để suy ngẫm về những gì đã xảy ra, từ đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và cải thiện quá trình ra quyết định của mình.

Các nhà đầu tư huyền thoại đều luôn khuyến khích nhà đầu tư viết ra thật chi tiết về các cơ sở đánh giá của mình khi ra quyết định. Điều đó giúp chúng ta minh bạch với cả chính bản thân mình trong việc đánh giá lại hiệu quả của các quyết định và là cơ sở quan trọng cho việc cải thiện về lâu dài. Theo Warren Buffett, việc viết ra những quyết định đầu tư đã giúp ông phân tích kỹ lưỡng và cải thiện hiệu suất đầu tư của mình qua từng năm. Việc viết ra các quyết định đầu tư không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các cơ sở và lý do của quyết định mà còn là cách để theo dõi và đánh giá lại hiệu quả của chúng. Điều này giúp chúng ta học hỏi từ những sai lầm và cải thiện quá trình ra quyết định của mình trong tương lai.

Cuối cùng, việc viết có thể mang lại cho chúng ta những cơ hội kết nối tuyệt vời không thể lường trước được. Khác với những người phải viết lách hàng ngày như công việc, việc viết lách của chúng ta với tư cách của những người không chuyên sẽ thiên về việc chia sẻ những điều bản thân mình tâm đắc và do đó điều đó rất dễ dàng để chúng ta kết nối những thông điệp chúng ta muốn chia sẻ với cộng đồng, từ đó có thể giúp bạn kết nối với những đối tác liên quan đến công việc một cách đầy bất ngờ. Không gì tốt hơn để truyền thông những gì bạn đang quan tâm qua việc chia sẻ tri thức từ một chủ đề bài viết.

Nhận ra những giá trị của viết lách đóng vai trò quan trọng trong việc bắt đầu thói quen sử dụng việc viết như là một cách rèn tư duy và không ngừng nâng cấp bản thân. Áp lực phải diễn giải một điều gì đó cho người khác hiểu sẽ giúp bản thân của chúng ta có cơ hội đánh giá lại xem bản thân mình đã thực sự hiểu thấu đáo vấn đề hay chưa và từ đó không ngừng hoàn thiện.

Lê Hoài Ân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Từ Wukong nghĩ về những sản phẩm, dịch vụ mang giá...

0
(SGTT) - Sự thành công của tựa game Black Myth: Wukong (Trung Quốc) đã khẳng định thêm lần nữa rằng các giá trị văn...

Văn hóa đại chúng – Bí mật đằng sau sự thành...

0
(SGTT) - Khi văn hóa không còn nằm trong lãnh thổ vốn có của nó mà bắt đầu du nhập vào một cộng đồng...

Giúp chợ truyền thống giữ vững vị thế

0
(SGTT) - Bối cảnh kinh doanh thật khốc liệt khi các siêu thị và chuỗi cửa hàng dần lấy đi thị phần của chợ...

Đã là phong tục mới?

0
(SGTT) - Cuối năm vừa qua, lúc kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp đã chật vật xoay xở tiền thưởng Tết tượng...

Nội lực đến từ nỗ lực cá nhân

0
(SGTT) - Nội lực tinh thần của một người trẻ vững vàng giúp họ đối diện với một đời sống hiện đại nhiều áp...

Đừng gán ghép mê tín dị đoan cho Phật giáo!

0
(SGTT) -  Cách đây 2613 năm, Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), khi đó 35 tuổi, đã giác ngộ dưới gốc Bồ...

Kết nối