(SGTT) - Sau hai ngày nhập viện và điều trị với các kỹ thuật chữa bệnh chuyên biệt, tính mạng của người đàn ông ở Cao Bằng bị ngộ độc nặng sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu đã dần ổn định.
Theo báo vietnamnet.vn, nam bệnh nhân Đặng Văn H., 66 tuổi ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng được chuyển đến khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vào rạng sáng ngày 5-1 trong tình trạng tức ngực, khó thở, xuất tiết nhiều đờm dãi, rối loạn nhịp tim...
Theo gia đình cho biết thì người đàn ông này xuất hiện các triệu chứng kể trên sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu. Qua chẩn đoán và xét nghiệm, các bác sĩ cũng xác định ông H. bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu.
Sau hai ngày điều trị tích cực với các kỹ thuật như đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy kết hợp các biện pháp chống độc, chống loạn nhịp tim, vận mạch... các bác sĩ đã giúp người bệnh cai được máy thở, các chỉ số sinh tồn về mức bình thường.
BS Đỗ Tiến Anh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, cho biết củ ấu tàu là rễ của cây ô đầu, thường mọc hoang hoặc được trồng ở các vùng biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Thành phần độc tố chính của củ này là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcalloid khác…
Theo Đông y, chất độc aconitin trong củ ấu tàu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý sau khi được bào chế cẩn thận. Dân gian cũng thường coi củ này là thuốc bổ nếu được chế biến đúng cách, tuy nhiên, những cách chế biến đó thì lại dựa vào kinh nghiệm từ xưa chứ chưa được khoa học chứng minh sự hiệu nghiệm.
Theo BS Tiến Anh, người bị ngộ độc củ ấu tàu thường có một số triệu chứng như tê bì quanh miệng, lưỡi, nôn, rối loạn hệ thần kinh, co giật. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị rối loạn tim mạch gây trụy mạch, trụy huyết áp dẫn đến tử vong. Hiện nay, các bác sĩ thường xử trí các ca ngộ độc do loại củ này ở mức xử trí ngô độc chung bởi chưa có chất giải đặc hiệu.
Chính vì vậy, người dân không nên tự chế biến củ ấu tàu để làm thức ăn cũng như ngâm rượu bởi nếu không biết cách chế biến thì độc tố của loại củ này vẫn còn được giữ lại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân.
Hiện nay, củ ấu tàu được bán nhiều trên các trang web thương mại điện tử với mức giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Phúc An tổng hợp