Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Startup châu Á đến CES 2024 gọi vốn và tìm khách hàng mới

(SGTT) - Nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ, nhiều startup của châu Á có cơ hội tham dự Triển lãm Điện tử tiêu dùng 2024 tại Las Vegas (Mỹ) để gọi vốn hoặc tìm khách hàng mới.
Trong ảnh là ông Yi Sang-ho, CEO kiêm nhà sáng lập hãng chế tạo robot Mand.ro, tại triển lãm CES 2024 ở Las Vegas hôm 11-1. Startup Hàn Quốc sản xuất bàn tay giả bằng công nghệ 3D nhưng có thể cạnh tranh nhờ giá bán phù hợp. Ảnh: Yonhap

Châu Á chiếm số lượng lớn tại CES 2024

Nhờ sự tài trợ của Chính phủ mà các công ty khởi nghiệp non trẻ Hàn Quốc có thể xuất hiện ở một trong những sự kiện lớn như Triển lãm Điện tử tiêu dùng (Consumer Electronics Show – CES 2024) với gần 500 startup, chiếm một nửa các công ty khởi nghiệp tham dự.  Ngoài Hàn Quốc, còn có Đài Loan với 96 startup, có 52 công ty từ Nhật Bản và 10 công ty từ Singapore.

Để có mặt ở CES 2024, các startup các nước Châu á được chính phủ tài trợ 50%, thậm chí là 100% phí tham gia gian hàng, thậm chí một số quốc gia, vùng lãnh thổ còn trợ cấp 50% chi phí chuyến bay và chỗ ở cho các công ty tham dự.

Theo tờ Nikkei Asia của Nhật Bản và tờ Yonhap của Hàn Quốc, tại CES 2024, khách tham quan và các nhà triển lãm ấn tượng bởi số lượng lớn các công ty Hàn Quốc với các sản phẩm và ý tưởng mới nhất ở nhiều lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo (AI), chăm sóc sức khỏe và dữ liệu đến sản xuất và Internet vạn vật (IoT). Để giúp các công ty vượt qua rào cản ngôn ngữ, chính phủ Hàn Quốc còn đưa sinh viên đến Las Vegas để thuyết trình bằng tiếng Anh cho các startup.

Hình ảnh chụp màn hình hiển thị thông tin về tiến độ gọi vốn của các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc tại CES 2024 Ảnh: Nikkei Asia

Chiyoung Park, Giám đốc chiến lược Cơ quan kinh doanh Seoul (SBA) nói với Nikkei Asia rằng, các startup không có tiền để thuê người phiên dịch tiếng Anh. Vì vậy, SBA làm điều đó thay họ. Bằng cách này, SBA mong muốn thúc đẩy các startup Hàn Quốc bước vào sân chơi toàn cầu.

“Chúng tôi không hy vọng các startup đạt được kết quả trong ngắn hạn, nhưng qua sự kiện này có thể giúp các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc mở rộng sang nhiều thị trường hơn và huy động được nhiều vốn hơn trong tương lai”, Chiyoung Park cho biết.

Đài Loan cũng thể hiện thế mạnh của mình tại CES 2024 với các startup trưng bày các sản phẩm AI, sức khỏe kỹ thuật số, công nghệ thể thao và thiết bị gia dụng thông minh.

“Mỗi năm, chúng tôi đưa khoảng 100 startup đến đây với mong muốn thâm nhập thị trường Mỹ, ngay cả khi một vài công ty trong số này đã bán sản phẩm ở Bắc Mỹ. Chúng tôi đóng vai trò là cửa ngõ, mở ra cánh cửa cho các công ty và tạo điều kiện thuận lợi cho họ”, theo lời Chiki Lin, chuyên gia thị trường quốc tế tại Taiwan Tech Arena, một chương trình thuộc Hội đồng Khoa học và công nghệ Đài Loan.

Tương tự các quốc gia trong khu vực, Nhật Bản cũng có những tài trợ cho các startup. Cụ  thể, Phòng Thương mại Nhật Bản (CCJ) cấp chi phí cho 22 startup Nhật Bản tham gia sự kiện này, còn Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tài trợ cho 30 công ty khởi nghiệp. Chuyên viên truyền thông Harumi Rodriguez của CCJ cho biết, các startup Nhật Bản có mặt tại Las Vegas là để mọi người nhận biết và tăng cường cơ hội “tiếp cận toàn cầu” hơn là “gọi vốn ngay lập tức”, do việc gọi vốn/gây quỹ hiện tại vô cùng khó khăn.

Startup Trung Quốc đến CES 2024 để tìm khách hàng mới

Trung Quốc đã tài trợ cho các startup tại CES 2014 thông qua Thành phố Khoa học Trung Quan Thôn (Zhongguancun), một tổ chức trực thuộc chính quyền thành phố Bắc Kinh. Nhờ vậy, Trung Quan Thôn đã tài trợ phí triển lãm cho 15 startup ở các lĩnh vực như sản xuất chất tẩy rửa hồ bơi đến công nghệ 3D.

Theo Trung Quan Thôn, các startup Trung Quốc đến đây để trưng bày sản phẩm và tìm kiếm các khách hàng tiềm năng đến từ Mỹ và châu Âu.

Một doanh nhân, người có 7 lần tham dự CES cho biết về sự khác biệt lớn giữa các công ty Trung Quốc và các nước, đó là hầu hết các công ty Trung Quốc đến đây để tìm kiếm khách hàng mới, trong khi, các nước khác đến CES 2024 là để giới thiệu những đổi mới trong công với thế giới.

Tuy vậy, theo đại diện một số gian trưng bày của Trung Quốc, dù có những lo ngại về căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng vẫn tham gia CES 2024 với hy vọng nhận được tài trợ từ Mỹ vì tin rằng các nhà đầu tư Mỹ ủng hộ và cởi mở hơn với các công nghệ mới từ các công ty Trung Quốc.

Ricky Hồ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp gắn với du lịch Huế

0
(SGTT) - Trong số 13 ý tưởng dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh trong buổi lễ...

Dự án các loại bánh làm từ khoai mì đạt giải...

0
(SGTT) - Dự án "Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami" của anh Mai Tuấn Anh (TPHCM) đã nhận giải nhất cuộc thi...

Startup Việt ‘không thể khởi nghiệp trên ti vi’

0
(SGTT) - Dòng vốn dành cho startup Việt Nam cạn dần trong năm ngoái với chỉ 541 triệu đô la, giảm mạnh so với...

Khởi nghiệp ở tuổi U-80

0
(SGTT) - Như Kinh tế Sài Gòn đã có bài trên số báo 10-2024, mạng xã hội do cựu Tổng thống Donald Trump thành...

Vì sao các startup đến Singapore lập đại bản doanh?

0
(SGTT) - Vị trí địa lý chiến lược, tiêu chuẩn công bố thông tin cao, khung pháp lý chặt chẽ và danh tiếng ổn...

Quỹ mạo hiểm sẽ chú trọng các startup châu Á ứng...

0
(SGTT) - Các quỹ mạo hiểm nên thay đổi cách cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, vì những startup ứng dụng trí...

Kết nối