Thứ năm, Tháng hai 13, 2025

Sống chậm ở Myanmar

CHÍNH PHONG -

Có gì đâu mà phải vội!

Anh bạn lái xe San Ko sửa lại chiếc váy kẻ ca rô trước khi ánh mắt anh bắt gặp chúng tôi đi xuống sảnh khách sạn. Nở một nụ cười rộng, với hàm răng đã ngả nâu vì nhai trầu, San Ko cất lời chào bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo.

Chừng 25 tuổi, mái tóc dài được giữ gọn bởi chiếc bờm nhựa, mặt bôi thứ kem màu vàng làm từ vỏ cây thanaka và chiếc áo T-shirt hiện đại, San Ko giống như hình ảnh thu nhỏ của đất nước Myanmar tân cổ giao duyên, năng động để sẵn sàng bước vào những cuộc chơi lớn nhưng vẫn giữ riêng cho mình một bản sắc truyền thống khó pha lẫn.

Bagan-trung-diep-nhung-chua-voi-chuaBagan trùng điệp những chùa với chùa.

Bạn có thể bắt gặp thứ giao thoa như vậy ở nhiều nơi trên đất nước này, ví như trong tu viện Mahagandayon ở ngoại ô thành phố Mandalay. Nơi đây có nghi thức cúng dường cho nhà sư được thực hiện vào 10 giờ sáng hàng ngày mà ai đến Mandalay cũng phải tới để tìm được một góc ảnh kỷ niệm ưng ý. Trước giờ cúng dường, các chú tiểu vẫn nhoay nhoáy smartphone, nhưng khi chuông vang, với áo cà sa hở vai, họ bước vào hàng chậm rãi từng bước với vẻ mặt cũ như cả ngàn năm trước.

Chỉ với 40.000 kyat (khoảng 750.000 đồng Việt Nam), San Ko dành cho chúng tôi một chuyến taxi nguyên ngày thượng hạng với tất cả sự hiếu khách của một người Myanmar: thăm thú tất cả các danh thắng cả bên trong nội đô lẫn bên ngoài ngoại ô Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar. Vương triều phong kiến cuối cùng của Myanmar đóng ở Mandalay trước khi thực dân Anh đến vào cuối thế kỷ 19, nên Mandalay vẫn giữ được vẻ kiêu kỳ của một cố đô với rất nhiều tu viện và trên 700 ngôi chùa. Chấm dứt chế độ phong kiến, nước Miến Điện xưa thuộc Anh dời đô về Yangon, cho tới năm 2005, chính phủ và các cơ quan Myanmar ngày nay chuyển đến làm việc tại thủ đô mới Naypyidaw cách Yangon 320 km.

Nếu Yangon xanh mướt với các tuyến phố vòng quanh những hàng cây lớn như một thành phố rừng thì đường phố Mandalay được quy hoạch thẳng thớm như những ô cờ. 7 giờ sáng, không khí vẫn còn tinh tươm với lác đác người ra đường tập thể dục. 8 giờ sáng, một số cửa hàng bắt đầu mở nhưng xe cộ vẫn vắng vẻ. Hỏi ra mới biết giờ làm công sở chính thức là 9 giờ sáng, nghỉ một giờ đồng hồ buổi trưa và kết thúc công việc vào 4 giờ chiều. Một nhịp sống rất chậm rãi, chứ có gì đâu mà phải vội!

Chia sẻ là điều tự nhiên trong mỗi người

Với nền kinh tế mới hé mở, dân số 54 triệu người, trong đó 65% trong độ tuổi 15-64, rõ ràng không có đủ việc cho tất cả mọi người. Có thể dễ dàng bắt gặp điều này ở nhiều nơi, như một tiệm trà nhỏ kế bên Tòa thị chính Yangon có đến gần 20 thanh niên phụ việc. Hay trước cửa một ngân hàng sát bên công viên trung tâm Mahabandula ở Yangon luôn có hơn 10 bảo vệ làm nhiệm vụ xếp chỗ đậu xe hơi cho khách.

Bởi thế, chia sẻ là điều gần như tự nhiên ở đây, những người đàn ông mời nhau trầu, những cóng nước miễn phí đặt dọc đường trong thành Bagan, những chiếc xe lam người ngồi đầy phè từ thùng xe lên cả nóc. Một lần đi giữa đường, cần sử dụng Internet để gửi ngay tin nhắn Facebook cho hãng xe buýt liên tỉnh, tôi đánh bạo tới một chiếc xe cảnh sát, gõ cửa kính, hỏi anh cảnh sát có dùng smartphone 3G hay không và đề nghị anh bật chức năng phát sóng Wi-Fi di động để tôi dùng ké. Anh mỉm cười, nhanh chóng thao tác theo đề nghị của tôi, rồi rút giấy bút ghi lại số điện thoại đưa cho tôi: “Gặp khó khăn gì, nhờ người ta gọi cho tôi theo số này”, anh nói. Trước các đồn cảnh sát ở khắp nơi Myanmar đều có một hàng tiếng Miến và một hàng tiếng Anh đề “May I help you?” (Tôi có thể giúp gì cho bạn?) như một “khẩu hiệu” của ngành cảnh sát nước này.

Yangon, Mandalay và Bagan giống như ba chân kiềng của nền văn hóa Myanmar. Tại Yangon, gặp một đoàn du khách Việt Nam, đi theo tour của một công ty du lịch, than vãn đơn điệu quá. Thì ra chương trình của họ chỉ gói gọn ở các thắng cảnh tại Yangon như chùa Shwedagon, hay đi không xa Yangon thăm viếng chùa Kyaiktiyo dựng chênh vênh trên một tảng đá lớn...

Phải đắm mình trong cảnh bình minh và hoàng hôn khi đứng trên tầng nóc của ngôi chùa Shwesandaw, phải chạy xe đạp điện quanh hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, ngồi trên chiếc xe ngựa gõ lọc cọc ở những ngôi làng nhỏ sát bờ sông Ayeyarwady, hòa mình vào những đàn dê ở Bagan mới cảm nhận hết Myanmar bằng tất cả các giác quan.

[box] Đi Myanmar không cần xin thị thực, có thể ở lại 15 ngày.

Có nhiều cách để tới Myanmar nhưng thuận tiện và kinh tế nhất hiện nay là bay thẳng từ TPHCM tới Yangon qua hãng hàng không giá rẻ. Nếu đặt vé sớm thì có thể chỉ tốn dưới 2 triệu đồng/vé khứ hồi, tính cả các loại thuế và phí.

Những điểm nên đến ở Myanmar là các thành phố Yangon, Mandalay (cách Yangon 720 km, đi xe buýt đêm), Bagan (cách Yangon 700 km, đi xe buýt đêm), Mandalay và Bagan cách nhau 290 km, có thể đi xe buýt ngày.[/box]

Vẻ duyên dáng còn tồn tại đến bao giờ?

Mot-goc-duong-sam-uat-o-MandalayMột góc đường sầm uất ở Mandalay.

Bagan là thủ đô của Vương quốc Bagan, vương quốc đầu tiên thống nhất một vùng đất đai rộng lớn miền Trung Myanmar, tạo ra văn hóa Miến Điện làm nền tảng cho nước Myanmar ngày nay cũng như du nhập Phật giáo Nam tông. Thế kỷ 11, ông vua Anawrahta cho xây những ngôi chùa đầu tiên, hai thế kỷ tiếp theo, hơn 10.000 ngôi chùa được dựng bởi hoàng gia và những người giàu có trên đất Bagan. Đế chế Khmer và đế chế Bagan lúc đó lớn nhất Đông Nam Á, quần thể di tích ở Siem Riep (Campuchia) và ở Bagan chứng tỏ sự hùng mạnh của họ.

Cũng vì một lòng xiển dương Phật giáo mà Bagan hết đất màu mỡ làm nông nghiệp, kiệt quệ tiền của để rồi thất bại dưới gót ngựa quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13. Bagan bị bỏ phế suốt từ đó cho đến thế kỷ 20. Trải qua những trận động đất và tàn phá của con người, nay Bagan còn lại trên 2.200 ngôi chùa, và mỗi ngôi chùa tự nó đều có một câu chuyện để kể.

Nếu như Mandalay bạt ngàn những ngôi chùa thân trắng chóp vàng thì ở Bagan phần lớn là những ngôi chùa xây bằng gạch, với kỹ thuật giống như các tháp Chăm ở miền Trung Việt Nam, nhưng độ bề thế và sự tinh tế trong kiến trúc vượt trội. Vậy mà khu di chỉ khảo cổ học Bagan này vẫn chưa được UNESCO xếp vào di sản thế giới, lý do là Chính phủ Myanmar hồi đầu những năm 1990 nóng lòng muốn biến Bagan thành điểm du lịch đã nhúng tay vào sửa sang khá nhiều ngôi chùa ở đây.

Nhưng người Myanmar vẫn không vội vã gỡ những lớp “điểm trang” này, bình thản như dòng người ngắm hoàng hôn trên chiếc cầu gỗ tếch U Bein dài 1,2 km trên hồ Taung Tha Man ở ngoại ô Mandalay. Ở một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới thì tội gì tự gieo âu lo vào lòng. Anh bạn lái xe San Ko kết thúc chuyến du hành khi Mandalay lên đèn, ở đây vẫn chưa có nhiều dấu hiệu của đời sống phương Tây, chưa có những cửa hàng bán đồ hiệu hào nhoáng, những cao ốc, những bảng quảng cáo đèn LED khổ lớn hay những quán bar ồn ào.

Truyền thống vẫn thắng thế với những người đàn ông và đàn bà mặc chiếc váy quấn bằng vải dài đến gót chân. Đồ ăn phương Tây cũng thiếu, nhưng ai quan tâm khi đồ ăn Miến có thể chiều được những cái miệng khó tính nhất bằng sự pha trộn giữa vị nồng cà ri ảnh hưởng từ Ấn Độ, vị cay từ Thái Lan và vị ngậy béo đậm dầu ăn từ Trung Quốc. Vẻ duyên dáng của Myanmar càng hiện ra nếu bạn chịu khó đào sâu dưới lớp bề mặt khá cũ.

Nhưng câu hỏi là vẻ duyên dáng này sẽ tồn tại đến bao giờ?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyện độc quyền thương hiệu khi doanh nghiệp Việt tiến ra...

0
(SGTT) - Bức tranh tổng quan cho thấy Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sự...

Những hãng điện thoại ‘giữ chân’ khách hàng bằng chuyện cập...

0
(SGTT) - Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng giữ thiết bị của họ lâu hơn thì chuyện các hãng điện thoại thường...

Hàng nghìn người dân xem diễu hành dịp Tết Nguyên Tiêu...

0
(SGTT) - Chiều 12-2, hàng nghìn người dân TPHCM đã tập trung tại khu vực Chợ Lớn (quận 5) để xem lễ diễu hành...

Cục Hàng không đã cấp slot cho Emirates theo chỉ đạo...

0
(SGTT) - Cục Hàng không đã cấp slot và quyền vận chuyển cho hãng Emirates theo chỉ đạo của Thủ tướng. Do khung 23...

Ứng phó áp thấp nhiệt đới: các địa phương chủ động...

0
(SGTT) - Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...

Hành trình 45 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên

0
(SGTT) - Phú Yên chưa hẳn là đất thơ, nhưng chắc chắn một điều, đây là vùng đất của người yêu thơ. Một minh...

Kết nối