(SGTT) - Tiếp tục hành trình sông Cái từ nguồn ra biển, xuôi về phía hạ nguồn sẽ đến với La Hai, một thị trấn có từ lâu đời ở huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
- Sông Cái, từ nguồn ra biển: Từ dãy Kon Clon đến làng Xí Thoại (kỳ 1)
- Chiêm ngưỡng cung đường ven biển Phú Yên từ trên cao
- Thăm làng chài gần Gành Đá Đĩa, ít người biết ở Phú Yên
Rời những dãy núi điệp trùng phía thượng nguồn với những thác ghềnh hùng vĩ, sông Cái trở nên hiền hòa hơn khi đến địa phận thị trấn La Hai. Người dân Đồng Xuân xem La Hai là phố núi, phía Bắc được che chở bởi núi rừng, phía Nam là dòng sông Cái uốn quanh, tưới mát cho những cánh đồng.
Đến cửa ngõ vào thị trấn La Hai, trước mắt chúng tôi là chiếc cầu sắt có từ lâu đời nối đôi bờ sông Cái. Trải qua bao biến cố lịch sử, chiếc cầu này đã trở thành biểu tượng của La Hai và là nỗi nhớ của nhiều người khi xa quê. Ông Lê Ngọc Hà ở thị trấn La Hai, đã ngoài "thất thập cổ lai hy", cho biết bức ảnh chiếc cầu sắt được ông gìn giữ cẩn thận mấy chục năm qua. Với ông, chiếc cầu sắt La Hai là ký ức của ông về vùng đất này.
Từ lâu, phố núi La Hai đã đi vào thơ ca nhạc họa, biết bao "tao nhân mặc khách" từng đắm say vùng đất này. Trong đó, có ca khúc "Câu hát miền quê" là một sáng tác của Mạnh Minh Tâm, người đã từng gắn bó với lĩnh vực văn hóa ở đất La Hai, Đồng Xuân hơn mấy mươi năm. Lời bài hát "nhất gái La Hai" của anh như minh chứng thêm nét dịu dàng, thùy mị của người con gái ở vùng đất này.
Từ xưa, dân gian đã có câu "Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Nghệ". Về sau lại có thêm dị bản “Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Cọ”… Song, theo sách Non nước Phú Yên, thì tác giả Nguyễn Đình Tư khẳng định là "Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Nghệ".
Đồng Nghệ là một ngôi làng nằm về phía hạ lưu sông Cái, cách thị trấn La Hai khoảng 5km về hướng Đông, nay là thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nói đến trai Đồng Nghệ là nói đến những chàng trai võ nghệ cao cường, khẳng khái và nghĩa hiệp.
Một trong những "lão làng" xứ Đồng Nghệ đó là cụ Nguyễn Ngọc Phán, cũng nhóm người xưa nay hiếm. Là người luyện võ nên cụ rất khỏe mạnh và rắn rỏi. Về chuyện trai Đồng Nghệ, cụ Phán kể nhiều câu chuyện lỳ kỳ và hấp dẫn về những chàng trai gan lì, bạo dạn. Rằng, Đồng Nghệ xưa, nay thuộc xã Xuân Sơn Nam, người dân vẫn hay nhắc đến một nhân vật tên là Đỗ Thừng, ông là người tinh thông võ nghệ và trượng nghĩa.
Sự bình yên, vẻ đẹp nên thơ của một thị trấn nằm bên hữu ngạn sông Cái là cảm nhận của những ai khi đặt chân đến phố núi La Hai, là nguồn cảm hứng sáng tác cho văn, thơ, nhạc họa... gắn với vẻ đẹp của của người con gái La Hai và những chàng trai Đồng Nghệ hôm qua và hôm nay...
- Kỳ trước: Sông Cái, từ nguồn ra biển: Từ dãy Kon Clon đến làng Xí Thoại
- Đón xem Kỳ 3: Sông Cái, từ nguồn ra biển: Phường Lụa một thời
“Sông Cái, từ nguồn ra biển” là chuỗi bài viết khám phá sông Cái, một trong ba con sông chính ở Phú Yên đã bồi đắp cho đôi bờ những di sản văn hóa từ hơn 400 năm. Hành trình từ dãy Kon Clon – nơi đầu nguồn sông Cái, xuôi về thị trấn La Hai, qua phường Lụa, đập Tam Giang… rồi hòa vào biển cả ở cửa biển Tiên Châu sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về dòng sông di sản ở phía Bắc tỉnh Phú Yên.