(SGTT) - Khi đến địa phận xã An Thạch và An Dân, huyện Tuy An, sông Cái đã chia làm hai nhánh, một nhánh đổ ra đầm Ô Loan, nhánh còn lại tiếp tục xuôi về phía Đông để hòa mình vào biển cả. Ở nơi ngã ba sông Cái này có một khu mộ cổ nằm trên dãy núi A Man, còn nhiều điều mà cho đến nay vẫn chưa được giải mã thấu đáo.
- Sông Cái, từ nguồn ra biển: Từ dãy Kon Clon đến làng Xí Thoại (kỳ 1)
- Sông Cái, từ nguồn ra biển: Xuôi về La Hai, Đồng Nghệ (kỳ 2)
- Sông Cái, từ nguồn ra biển: Phường Lụa một thời (kỳ 3)
Mặc dù trên núi nhưng khu mộ cổ này cách không xa khu dân cư, chỉ mất khoảng 30 phút vừa đi bộ, vừa dọn cây cỏ rậm rạp ven đường thì đến khu mộ. Tất cả mộ ở đây đều không còn nguyên vẹn. Rất nhiều mộ đã bị cây cối che phủ, vì lâu rồi không có người coi sóc, thăm viếng.
Có đến hơn 500 ngôi mộ nằm trải rộng trên diện tích khoảng 2.000m², được xây dựng bằng vôi và đá. Hầu hết các ngôi mộ đều nằm ở sườn nam núi A Man và đều quay mặt về hướng Đông nam. Trên mộ không có bất kỳ thông tin nào để xác định tên tuổi, quê quán của người đã khuất. Mọi dấu tích chỉ cho biết một điều rằng, những ngôi mộ ở đây đã có từ xa xưa.
Phần lớn những ngôi mộ cổ trên núi A Man được xây dựng theo hình dáng yên ngựa, một số khác có hình dáng mai rùa, mái nhà và búp sen. Trong khi nhiều ngôi mộ chỉ xây đắp bộ phận chính là nấm mộ thì một số khác lại có thành bao quanh, có bình phong ở phía trước và các trụ biểu.
Một số ngôi mộ rất bề thế với cổng ở phía trước, được xây theo dạng vòm cuốn, được trang trí cầu kỳ tỉ mỉ. Hoa văn trang trí chủ yếu có dạng vân tròn xoắn ốc và hình hoa lá… đã bị nắng mưa, năm tháng xóa mờ dần.
Dãy núi A Man nằm bên dòng sông Cái, cách không xa các khu thành cổ ở Phú Yên. Theo các tài liệu lịch sử và kết quả khảo cổ, dưới thời phong kiến, đã có hai thành cổ được xây dựng tại khu vực hạ lưu sông Cái. Đó là thành Hội Phú, ở cửa biển Tiên Châu, thuộc xã An Ninh Đông ngày nay, được xây dựng năm 1629 và thành An Thổ, tồn tại trong thời gian từ 1820 - 1840, thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay.
Cùng với khu mộ cổ nằm trên triền núi A Man, hai toà thành này cách nhau không xa và đều nằm trong chu vi chưa đầy 10km. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã xác định được niên đại của hai tòa thành cổ nằm ở vùng hạ lưu sông Cái. Song, hàng trăm ngôi mộ cổ ở núi A Man vẫn còn là điều bí ẩn.
Các nhà khảo cổ khi về đây nghiên cứu cũng chưa đưa ra kết luận về chủ nhân của khu mộ cổ là ai: người Chăm, người Hoa, hay người Việt? Theo họ, giải pháp tốt nhất vẫn là phải tiến hành khai quật khảo cổ học.
Có thể khẳng định, tại khu vực ngã ba sông Cái, đoạn qua xã An Thạch và An Dân, huyện Tuy An, hiện hữu một quần thể di tích khá quan trọng, có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử, văn hoá, dân tộc học... về vùng đất Phú Yên trên 400 năm hình thành và phát triển.
Ba di tích thành An Thổ, thành Hội Phú và những ngôi mô cổ bên dòng sông Cái còn là những di sản văn hóa có thể khai thác để phát triển du lịch. Nếu những ngôi mộ cổ trên núi A Man được giải mã và tôn tạo, sẽ tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách gần xa.
Hơn 500 ngôi mộ cổ trên núi A Man cùng với làng gốm cổ Quảng Đức ngay dưới chân núi, thành An Thổ, nhà thờ Mằng Lăng và gành Đá Dĩa phía hạ nguồn sông Cái ... sẽ tạo nên một cung đường di sản với giá trị nhiều mặt mà ít nơi đâu có được.
- Kỳ trước: Sông Cái, từ nguồn ra biển: Phường Lụa một thời (kỳ 3)
- Đón xem Kỳ 5: Sông Cái, từ nguồn ra biển: Thanh bình đập Tam Giang
“Sông Cái, từ nguồn ra biển” là chuỗi bài viết khám phá sông Cái, một trong ba con sông chính ở Phú Yên đã bồi đắp cho đôi bờ những di sản văn hóa từ hơn 400 năm. Hành trình từ dãy Kon Clon – nơi đầu nguồn sông Cái, xuôi về thị trấn La Hai, qua phường Lụa, đập Tam Giang… rồi hòa vào biển cả ở cửa biển Tiên Châu sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về dòng sông di sản ở phía Bắc tỉnh Phú Yên.