(SGTT) - Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, Ngày Văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khai mạc sáng nay (21-11) tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.
- Cần Thơ mở rộng giao thương hàng nông thuỷ sản
- Cần Thơ "tự tiếp thị" mình với các tập đoàn lớn tại Malaysia và Singapore
- Khai mạc lễ hội bánh dân gian Nam bộ tại Cần Thơ
Có 20 gian hàng của các đơn vị Hàn Quốc và thành phố Cần Thơ giới thiệu các nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực của hai quốc gia. Các đơn vị còn tổ chức một số hoạt động như thi chế biến các món ăn Việt Nam - Hàn Quốc; trình diễn võ Vovinam, Taekwondo; trình diễn K-pop; trình diễn đàn Ukulele; biểu diễn trống truyền thống Hàn Quốc Samulnori; biểu diễn trang phục truyền thống Việt Nam - Hàn Quốc; trải nghiệm mặc thử trang phục truyền thống Hàn Quốc, trò chơi dân gian Hàn Quốc, món ăn Hàn Quốc; tham quan tranh sơn dầu của họa sĩ Hàn Quốc.
Dịp này, ban tổ chức cũng đã trao 270 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các sinh viên vượt khó học giỏi và trẻ em Việt – Hàn có hoàn cảnh khó khăn ở Cần Thơ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Ha Gwang Yun, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Jeollanamdo (Hàn Quốc) tại Đông Nam Á đóng ở TPHCM, cho biết Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ ba và là nước nhập khẩu lớn thứ năm của Hàn Quốc; Hàn Quốc là nước đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, tạo ra một triệu việc làm và 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2019, trước khi dịch Covid-19, đã có 4,3 triệu người Hàn Quốc đến thăm Việt Nam, đứng thứ hai chỉ sau Nhật Bản. Gần đây, giao lưu giữa hai nước đang mở rộng từ kinh tế sang nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, thể thao, giáo dục. Ở Việt Nam hiện cũng đang có rất nhiều siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Hàn Quốc.
Theo ông Ha Gwang Yun, Văn phòng Jeollanamdo khu vực Đông Nam Á được mở tại TPHCM để hỗ trợ thực hiện các hoạt động hợp tác, giao lưu với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hỗ trợ xuất khẩu, quảng bá du lịch, văn hóa.
Jeollanamdo là nơi sản xuất nông sản cao cấp lớn nhất Hàn Quốc; tập trung vào các ngành công nghiệp truyền thống như thép, hóa học, đóng tàu, các ngành công nghiệp tiên tiến như pin thứ cấp, năng lượng, thực phẩm nông thủy sản, vật liệu nông nghiệp được trang bị cấu trúc công nghiệp hài hòa. Đây cũng là thủ đô du lịch văn hóa, thân thiện với môi trường, và có lịch sử lâu đời, sâu sắc, bao gồm môi trường tự nhiên; nổi bật như bãi bùn di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận với khoảng 2.000 hòn đảo dọc bờ biển.
“Với các ngành công nghiệp chiến lược tiên tiến như chất bán dẫn và dữ liệu, chúng tôi có kế hoạch đẩy nhanh bước nhảy vọt kỹ thuật chuyển đổi số công nghiệp lần thứ tư và xây dựng 'trung tâm công nghiệp năng lượng mới toàn cầu' dựa trên nguồn tài nguyên sạch, dồi dào. Sau này, chúng tôi hy vọng có thể hợp tác chặt chẽ hơn với thành phố Cần Thơ trong nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, dầu mỏ, hóa học, năng lượng, môi trường", ông Ha Gwang Yun nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, trong 30 năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 150 lần và đang tiến tới mục tiêu 100 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023.
Thành phố Cần Thơ và tỉnh Jeollanamdo đã ký Bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2012; đã hợp tác tập huấn cán bộ; giao lưu văn hóa; thành lập Góc thông tin của tỉnh Jeollanamdo tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.
“Thành phố Cần Thơ xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế của địa phương. Lãnh đạo thành phố hết sức trân trọng những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Nguyễn Thực Hiện nói.
Huỳnh Kim