(SGTT) - Dạo quanh một vòng các trung tâm thương mại tại TPHCM có thể thấy lượng khách hàng đến đây đa phần để ăn uống. Những thương hiệu, cửa hàng ăn uống thường nằm ở vị trí "dưới lòng đất" và luôn trong tình trạng tấp nập vào giờ ăn; ngược lại với khung cảnh thưa thớt người mua sắm các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm ở các quầy hàng "trên mặt đất".
- Kinh doanh ăn uống chiếm 70% hoạt động kinh tế đêm ở Cần Thơ
- Thưởng thức bánh tro trong dịp Tết Đoan Ngọ
Chia sẻ trên VTV, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Retail Solutions, nhận định ngày xưa dịch vụ ăn uống chỉ chiếm 15-20% nhưng ngày nay tại các trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống chiếm đến 30-40%. Có thể thấy xu hướng tiêu dùng hiện nay tập trung vào chi tiêu ăn uống, dịch vụ nhiều hơn các lĩnh vực khác.
Ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, mặc dù đang giữa giờ trưa nhưng các cửa hàng kinh doanh ăn uống tại các tầng hầm của trung tâm thương mại khá nhộn nhịp, thậm chí không còn chỗ ngồi.
Theo dữ liệu của Savills Việt Nam, năm 2022 chủ đầu tư của gần 40% dự án trung tâm thương mại đã tăng giá thuê. Tầng trệt có giá thuê tăng 10% theo năm, đạt 1,25 triệu đồng mỗi m2/tháng. Trong năm qua, hoạt động tiêu dùng của TPHCM vẫn duy trì ở mức cao, riêng ngành ăn uống tăng 7% theo năm.
Trúc Nhã - Lê Vũ