(SGTT) - Trong thời gian vừa qua, TPHCM ghi nhận nhiều ca tai biến liên quan dịch vụ làm đẹp như hoại tử mũi sau tiêm filler (chất làm đầy), loét ngực do làm hồng nhũ hoa, tai biến nặng sau khi tiêm filler vào ngực và mặt... Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp được chia thành ba nhóm khác nhau và nhóm không sử dụng chất gây tê không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế.
- Hiểm họa đằng sau trào lưu làm đẹp – tạo dái tai Phật bằng cách tiêm filler
- Hàng loạt ca tai biến, bác sĩ cảnh báo hậu quả khôn lường sau tiêm filler ở thẩm mỹ viện “chui”
Chiều ngày 12-5, tại buổi họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành y tế.
Có thể chia các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp thành ba nhóm khác nhau. Trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế TPHCM cấp phép hoạt động.
Theo đó, nhóm một là các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp gồm cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng... Những cơ sở này hoàn toàn không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì, không cần điều kiện quy định về y tế, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), không cần Sở Y tế TPHCM cấp giấy phép hoạt động.
Như vậy, các spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng… không áp dụng thủ thuật gây tê không thuộc sự quản lý của ngành y tế.
Nhóm hai là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Đây là những cơ sở thực hiện phun, xăm, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp).
Tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại khoản 5, phần bổ sung điều 23a Nghị định 109/2016, trong Nghị định 155/2018/NĐ-CP) gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Nhóm ba là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ gồm những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc các dịch vụ thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc cả hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp), khi hoạt động bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; phòng khám chuyên khoa da liễu.