(SGTT) - Trước thực tế lượng F0 nặng gia tăng, ngày 15-12, TPHCM vừa kiến nghị khẩn Bộ Y tế hỗ trợ 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, thành phố cần chi viện 3.000 nhân viên y tế nhằm triển khai công tác đối phó trước biến chủng Omicron.
- TPHCM lên kế hoạch ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?
- TPHCM bố trí bệnh viện điều trị riêng cho người nhiễm biến chủng Omicron
- 80.000 nhân viên y tế chống dịch tại TPHCM: Cuộc huy động lớn chưa từng có
Tại sao TPHCM xin hỗ trợ khẩn 3.000 nhân viên y tế?
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan tới dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM vào chiều 16-12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết việc TPHCM xin hỗ trợ khẩn 3.000 bác sĩ, điều dưỡng nhằm triển khai công tác đối phó trước biến chủng Omicron.
Đây là một trong tám nội dung thế trận y tế mà ngành y tế TPHCM cần thực hiện ngay. Ngoài ra còn xây dựng, triển khai các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại cấp huyện và sẵn sàng kích hoạt, đưa vào hoạt động ngay khi có nhu cầu.
Từ tháng 10 đến nay, khi thành phố mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục, số ca F0 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng trở lại. Tỷ lệ người già mắc bệnh và trở nặng, tử vong tăng lên khiến áp lực đè lên ngành y tế.
Thời điểm TPHCM bước vào cao điểm chống dịch, hầu hết bệnh viện trên địa bàn ngừng tiếp nhận bệnh nhân để tập trung phòng, chống dịch.
Hiện các bệnh viện đã được trả lại công năng, vừa chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa thăm khám và điều trị các bệnh lý khác. “Mỗi bệnh viện, bác sĩ phải chia sẻ rất nhiều công việc”, bà Mai nói.
Theo tính toán về số F0 đang nhập viện, thành phố ước tính cần bổ sung 3.000 bác sĩ, điều dưỡng. Tuy nhiên, dự kiến 1-2 tháng tới, khi địa bàn khống chế được số ca tử vong, lực lượng chi viện được xem là hoàn thành sứ mệnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn
TPHCM vẫn chưa ghi nhận người nhiễm chủng Omicron
Về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, cho biết sau 1 tuần triển khai, ngành y tế vẫn đang trong quá trình rà soát, xét nghiệm, tiêm vắc-xin, cũng như tư vấn và can thiệp.
Hiện ngành y tế ghi nhận 173.500 người ở TPHCM thuộc nhóm nguy cơ cần bảo vệ, trong đó 140.000 người có bệnh lý nền, còn lại là người trên 65 tuổi.
Theo kế hoạch của UBND TPHCM về công tác tăng cường, giám sát hoạt động cửa khẩu hàng không, hàng hải, người nhập cảnh qua TPHCM phải cách ly theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm.
Trong thời gian vừa qua, khi giải trình tự gene, ngành y tế ghi nhận 45 mẫu dương tính, trong đó 28 mẫu thuộc chủng Delta, số còn lại đang chờ kết quả. TPHCM vẫn chưa ghi nhận người nhiễm chủng Omicron.
Đối với công tác xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ trên địa bàn, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết tính đến sáng cùng ngày, ngành y tế đã lấy 17.524 mẫu xét nghiệm. Kết quả tầm soát có 98,7% âm tính và mẫu dương tính tỷ lệ 1,1%.
Đối với các trường hợp dương tính, ngành y tế có hai giải pháp xử lý. Theo đó, 52 trường hợp F0 xin được cách ly tại nhà, sẽ được cấp gói thuốc C - molnupiravir đầy đủ. Với các trường hợp muốn nhập viện, ngành y tế bố trí điều trị tại tầng 2-3.
Tính đến 18:000 ngày 15-12, TPHCM ghi nhận 491.068 trường hợp mắc Covid-19 gồm 490.476 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 592 trường hợp nhập cảnh.Hiện TPHCM đang điều trị 11.574 bệnh nhân, trong đó có 370 trẻ em dưới 16 tuổi, 505 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 15/12, thành phố có 1.065 bệnh nhân nhập viện, 1.011 bệnh nhân xuất viện, 65 trường hợp tử vong trong ngày.
Minh Thảo