Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Số 50 “đáng sợ” với doanh nhân Pháp

Philippe Plantier vốn là một tay leo núi chuyên nghiệp. Cách đây hơn một thập kỷ, anh chuyển niềm đam mê: leo vào thương trường, nhưng vẫn bằng nghề treo mình trong không gian. Đó là mở công ty vệ sinh kính bên ngoài các tòa nhà cao tầng, sơn cầu... Nói chung là các công việc trên cao.

Plantier và công nhân của anh có thể chinh phục các độ cao. Nhưng có một con số anh từ chối vượt quá: 49. Khi Công ty Travaux Grande Hauteur của Plantier có đủ 49 người, anh không thuê thêm nữa, dù có thêm nhiều việc đến đâu. Người này đi thì người khác mới đến. Lấy sang người thứ 50 sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề với Travaux Grande Hauteur và nó sẽ đội chi phí lên 4%. Theo Plantier thì trong ngành của anh, biên độ lợi nhuận mỏng như biên độ phạm sai lầm trong công việc, 4% có thể quyết định lãi hay lỗ.

Ông Tanguy Roelands (trái), người sáng lập Puyricard.
Ông Tanguy Roelands (trái), người sáng lập Puyricard.

Theo Luật Doanh nghiệp Pháp, công ty nào có 50 công nhân trở lên sẽ phải có công đoàn, hội đồng công nhân, ủy ban sức khỏe và an toàn lao động, và thương thảo lương theo tập thể... tất cả đều tốn chi phí, và nếu xảy ra chuyện không hay thì rất đau đầu cho chủ công ty, họ phải thuê luật sư, đối mặt với tình trạng bãi công. Có lẽ vì lý do này mà tỷ lệ thất nghiệp của Pháp gấp đôi Đức. Pháp là nước có nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, sau Đức.

Một số doanh nhân như Plantier, thay vì mở rộng công ty sẽ chọn lập công ty thứ hai, rồi thứ ba để làm sao lực lượng lao động của họ không vượt quá con số 49. Bởi vậy mà thống kê cho thấy số lượng công ty có chính xác 49 người làm công nhiều hơn gấp đôi số công ty có 50 người trở lên. Một vài nước phương Tây cũng có những quy định về quy mô doanh nghiệp nhưng không nặng nề như Pháp. “Cái kiểu này kéo cả nước tụt hậu mãi thôi”, Plantier than thở.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tìm nhiều cách đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi trì trệ, trong đó có việc mời một loạt chuyên gia lược bớt bộ Luật Lao động dày 3.200 trang nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp sa thải công nhân hay giảm lương và giờ làm trong thời kỳ suy thoái.

Tháng này, ông đi xa hơn khi đề nghị tạm thời vô hiệu lực luật 50 lao động trở lên để tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Nhưng chính ông đang nặng bước khi là Tổng thống Pháp có tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất trong lịch sử ở cuộc trưng cầu ý dân gần đây, ông không muốn thách đấu với các thành viên trong đảng Xã hội của mình cũng như các tổ chức lao động quyền lực nữa.

Gần đây, khi Hollande tổ chức một cuộc hội thảo ở Paris để tìm các giải pháp cho tình trạng thất nghiệp, đã bị hai tổ chức lao động chính tại Pháp là Confédération Générale du Travail (C.G.T – Tổng liên đoàn Lao động) và Force Ouvrière (Lực lượng công nhân) tẩy chay. Họ tấn công vào các kế hoạch đổi mới như một nỗ lực nhằm bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Theo ông Thierry Lepaon, Tổng thư ký của C.G.T, tăng trần lao động (tăng từ con số 50 lên 70 hoặc 80) sẽ làm nhạt màu các quyền của công đoàn và khiến giới chủ có cớ vô trách nhiệm hơn.

Tanguy Roelands, người sáng lập Puyricard, một nhà sản xuất chocolate hảo hạng cũng đối mặt với “giới hạn 50” khi doanh nghiệp của ông bắt đầu phát triển mạnh cách đây một thập kỷ. Ông mở rộng quy mô, huấn luyện người làm theo phương pháp thủ công các loại kẹo bánh. Công ty như một gia đình với doanh số bán hàng năm 10 triệu euro. “Nhưng sau khi thuê công nhân thứ 50, nó tiến triển không tốt nữa”, ông Roelands nói.

Thay đổi này khiến Puyricard tốn thêm 32.000 euro hàng năm cho phí vận hành và ông Roelands nói ông mất nửa thời gian của mình để giải quyết các việc quản lý hành chính, gặp gỡ công chức nhà nước. Ví dụ gần đây, Chính phủ đòi ông tính xem ông có thể cung cấp được bao nhiêu chocolate cho Pháp trong trường hợp xảy ra chiến tranh. “Việc này khiến tôi mất mấy ngày. Có đến 50% thời gian của tôi dành để giải quyết những việc không giúp công ty phát triển, và nó khiến tôi mất tập trung với việc tìm sản phẩm và thị trường mới”, ông Roelands cho biết.

Vấn đề lớn nhất với ông Roelands là thành lập hội đồng công nhân. Trước khi hội đồng này lập ở công ty thì các tổ chức, liên minh lao động đến gặp công nhân của Puyricard trước để chiêu mộ họ vào hội, dạy họ “đấu tranh”. Ngày trước, Puyricard như một gia đình nhưng bây giờ mọi chuyện không như thế nữa, các cuộc đối thoại khác hẳn và môi trường làm việc nặng nề hơn.

Là người đi sau, Plantier nhận thức việc này rõ hơn Roelands. “Ở Pháp, người ta xem ông chủ như tên ác ôn, nếu ông ta thành công thì chỉ là do ông ta bóc lột công nhân”, Plantier nói. Tránh hội đồng công nhân bị các liên minh dắt mũi là tránh được bao căng thẳng ở một công ty nhỏ mà ông làm việc gần gũi với người làm của mình trong nhiều năm qua.

Ngoài Travaux Grande Hauteur, Plantier mới mở thêm hai công ty khác, cũng làm việc leo trèo như vậy. Quản lý ba công ty một lúc, dù cùng một loại việc, khó và mệt hơn một công ty nhưng với Plantier thì như vậy còn hơn là mở rộng Travaux Grande Hauteur quá ngưỡng 50.

Thái Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngày Doanh nhân, nghe doanh chủ kể chuyện thích ứng

0
(SGTT) - Áp lực tạo ra “kim cương”, khả năng thích ứng tạo ra cơ hội cùng với những thách thức đã và đang...

Gặp gỡ những ‘người đi mở đường’

0
(SGTT) - “Gặp gỡ tháng 10: Chúng tôi – Chúng ta” chào mừng 20 năm Ngày Doanh Nhân Việt Nam (13-10) do Tạp chí...

Doanh nhân nước ngoài và câu chuyện thích nghi tại thị...

0
(SGTT) - Ngày 13-10, Việt Nam tôn vinh các doanh nhân - những người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh...

Doanh nghiệp và cuộc chuyển trạng thái để vượt bão

0
(SGTT) - Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động bởi khủng hoảng, mức độ phản ứng của doanh nghiệp với những...

Tản mạn ngày doanh nhân

0
(SGTT) - Sự phát triển bền vững của quốc gia phải dựa trên một nền kinh tế mạnh và tự chủ, trong đó trụ...

Trao 1.000 phần quà trị giá 400 triệu đồng cho học...

0
(SGTT) - Nhân dịp chào đón năm học mới 2023-2024, Chi hội Doanh nhân trẻ TP Dĩ An thuộc Hội Doanh nhân trẻ Bình...

Kết nối