NGUYỄN NHUNG -
Khi mới ra trường, trong khi bạn bè đồng trang lứa đang cấp tập chuẩn bị hồ sơ xin việc thì Minh Việt (Hà Nội) lại đóng gói hành lý cho chuyến đi đến Thái Lan, tham gia một diễn đàn giao lưu sinh viên. Chuyến đi được ban tổ chức chi trả toàn bộ chi phí ăn ở và vé máy bay.
Dễ đăng ký nhưng khó trúng
Đây cũng không phải là chuyến giao lưu nước ngoài đầu tiên của Việt, một sinh viên mới tốt nghiệp. Trước đó khi mới học năm hai đại học, Việt đã nộp hồ sơ và được chọn đi giao lưu giữa những người trẻ trên thế giới, kéo dài 12 ngày tại Brazil.
Ánh Nhân (giữa) trong chuyến đi Hàn Quốc.
Còn Ánh Nhân (TPHCM), trước khi tìm được công việc chính thức làm toàn thời gian cũng đã kịp “bỏ túi” hai chuyến đi giao lưu đến Thái Lan và Hàn Quốc trong khoảng một tuần lễ. Điều đáng nói là những chuyến đi kể trên của hai bạn trẻ đều không đi theo hình thức đại diện cho đoàn, hội hay tổ chức nào. Cả hai chỉ đơn giản đăng ký tham gia qua mạng Internet với tư cách cá nhân: một người trẻ tại Việt Nam. “Tôi biết đến cơ hội này nhờ bạn bè chia sẻ đường link trên Facebook. Khi đọc qua yêu cầu dành cho các ứng cử viên, tôi thấy mình phù hợp nên thử chuẩn bị hồ sơ và được chọn,” Việt nói.
Trên các diễn đàn dành cho sinh viên, các trang Facebook giới thiệu học bổng, dự án tình nguyện, hay việc làm cho các tổ chức phi chính phủ, những cơ hội “xuất ngoại” qua những khóa giao lưu ngắn ngày, có tài trợ như thế này ngày càng nhiều. Nguyên nhân chính là do những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đang cổ vũ cho những nỗ lực hội nhập, đặc biệt là từ các quốc gia đang phát triển, khiến cho số lượng của những chương trình như thế này ngày càng được mở rộng hơn cho giới trẻ Việt Nam. Không nhất thiết phải là những đại diện thuộc Đoàn Thanh niên hoặc các cơ quan, đơn vị nhà nước, những bạn trẻ chứng minh được khả năng lãnh đạo và sự quan tâm đến các hoạt động cộng đồng cũng có thể trở thành đối tượng được chọn lựa trải nghiệm cho những chuyến đi này.
Những chương trình này đa phần do các tổ chức phi chính phủ, những diễn đàn quốc tế lớn hay do Bộ Ngoại giao của một số quốc gia tổ chức, với mục tiêu tăng mức độ hiểu biết lẫn nhau và trang bị kiến thức về một lĩnh vực nhất định cho thế hệ thanh niên các nước. Diễn đàn sinh viên ASEAN (ASEAN Student Forum), Diễn đàn Cộng đồng Kinh tế Châu Á (Asia Economic Community Forum), hay Đại hội Biển Đông Á (East Asian Seas Congress)… là những sự kiện thường niên thu hút đông đảo bạn trẻ trong khu vực đăng ký tham gia. Ngoài ra còn nhiều chương trình học tập, giao lưu ngắn hạn ở các châu lục khác cũng thường xuyên kêu gọi các công dân trẻ từ nhiều nước tham gia, trong đó đặc biệt ưu tiên ứng cử viên Việt Nam.
Đa số thủ tục ứng cử tham gia những chương trình này đều khá gọn nhẹ và qua mạng Internet. Ánh Nhân, cô bạn chuyên “săn” những cơ hội giao lưu chia sẻ kinh nghiệm: “Tùy theo tính chất và mức độ tài trợ, có chương trình chỉ điền đơn trên mạng, nhưng cũng có đơn vị yêu cầu viết các bài luận trình bày ý kiến cá nhân về các vấn đề xã hội và phỏng vấn nữa.”
Cũng vì tuyển theo hình thức mở mà tỷ lệ cạnh tranh hồ sơ quốc tế khá lớn, thậm chí có thể lên đến 1 chọi 500. Minh Việt cho biết, có rất nhiều bạn bè cùng trường thử sức cả chục lần với nhiều chương trình khác nhau mới được trao cơ hội một lần. “Để được như vậy, bạn phải đảm bảo hồ sơ của mình nổi bật bằng cách tham gia nhiều hoạt động tình nguyện xã hội. Bên cạnh đó, nếu có câu hỏi bài luận thì bạn phải trình bày nó một cách cụ thể và thậm chí sử dụng rõ ràng”, Việt nói.
Với các thành viên đến từ nhiều quốc gia, cũng dễ hiểu khi yêu cầu chính ở đây là khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt. Toàn bộ quá trình từ chuẩn bị hồ sơ, cho đến phỏng vấn và tham gia các hội thảo, hoạt động của chương trình đều đòi hỏi các bạn trẻ phải sử dụng thành thạo tiếng Anh.
Đi ngày đàng học sàng khôn
Thay vì tham gia các khóa học kỹ năng mềm, hay thực tập tại các công ty, thì những chương trình quốc tế như thế này đang có sức hút rất lớn đối những sinh viên năm cuối hoặc mới ra trường. Không chỉ củng cố khả năng ngoại ngữ, đây còn là cơ hội rèn luyện các kỹ năng cần có và mở rộng các mối quan hệ cho người trẻ. Đa số những bạn trẻ tham dự những chương trình quốc tế kể trên đều đồng tình cho rằng đây là trải nghiệm học hỏi quý báu của bản thân. Trang Quỳnh (Hà Nội) từng “trúng” cơ hội tham gia East Asian Seas Congress tại Hàn Quốc kể lại rằng, một tuần tại sự kiện là thời gian bạn được gặp rất nhiều vị diễn giả xuất sắc và làm việc với những nhà hoạt động xã hội trẻ tuổi, cực kỳ nhiệt huyết và tài năng. “Sau chuyến đi, tôi trở nên tự tin, đầu óc mở mang và mạng lưới các mối quan hệ cũng rộng hơn”, Trang Quỳnh cho biết.
Ánh Nhân cũng cho hay hai chuyến đi “học mà chơi, chơi mà học” này rất hữu ích cho giai đoạn xin việc về sau của cô. Theo đó, những chuyến đi ngắn ngày như thế này ngoài việc giúp cô rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, định hướng cho tương lai ra thì cũng góp phần cho việc tạo nên sự tự tin khi đi phỏng vấn cũng như trong quá trình làm việc.
Còn với Minh Việt, hiện đang là du học sinh tại Mỹ, quá trình chuẩn bị hồ sơ cho các chương trình này đã giúp cậu tích lũy được kinh nghiệm khi xin học bổng sau này. Thêm vào đó, những “kinh nghiệm quốc tế” này cũng giúp cậu tạo được thế mạnh nhất định cho hồ sơ xin học thạc sĩ tại nước ngoài.
Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng đảm bảo người trở về sẽ hài lòng với kiến thức mới hấp thu được. Một bạn trẻ sau khi tham dự vào dự án thực tập về môi trường ở Philippines chia sẻ: “Thành viên trong dự án của mình có nhiều bạn đến từ Trung Quốc, sử dụng tiếng Anh còn yếu, thậm chí các bạn còn coi đây là khóa học ngoại ngữ ở nước ngoài. Vì vậy nhóm hoạt động không thực sự hiệu quả so với mục đích, cơ hội giao lưu cũng không nhiều vì đôi khi, các bạn đến từ cùng một nước có xu hướng “xé lẻ” chơi riêng thành một nhóm.”
Vì là chương trình nơi “xứ người”, nên mức độ hiệu quả phụ thuộc khá nhiều vào khâu tổ chức. Ví dụ như dự án tại Indonesia mà Nhi (Hà Nội) tham dự có những người đứng ra điều hành là sinh viên tại nước sở tại, lịch trình hoạt động cũng vì thế mà phải chỉnh theo… lịch học của ban tổ chức. “Nói là chương trình thúc đẩy kinh tế địa phương, nhưng mình và nhóm chỉ đi tham quan vòng vòng một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ rồi… đi về, chứ không thực sự làm gì có ích”, Nhi nói.