Ngọc Trung
Sinh viên Mỹ tốt nghiệp năm 2015 sẽ vào đời cùng khoản nợ trung bình ở mức cao chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Họ là thế hệ sinh viên mang nợ nhiều nhất, theo nhận xét của tờ Boston Globe, với khoản nợ khoảng 56 tỉ đô la Mỹ. Vừa mới ra trường, họ đã phải lo lắng kiếm tiền trả nợ. Trung bình mỗi sinh viên tốt nghiệp năm nay sẽ vào đời với 35.000 đô la tiền nợ. Ông Heather Jarvis, chuyên gia tư vấn về nợ sinh viên, nói rằng ở Mỹ chỉ có hệ thống hỗ trợ tài chính cho sinh viên học đại học bằng cách cho vay. Hệ thống vay nợ này cho phép mọi người vay nhiều hơn số tiền họ có khả năng trả. Hiện 75% số sinh viên ở Mỹ đang vay nợ.
Đến cuối năm 2014, tổng nợ của sinh viên Mỹ đã lên đến con số đáng kinh ngạc là 1.069 tỉ euro. Nguyên nhân chủ yếu là các khoản học phí cắt cổ của trường đại học và “đại học cộng đồng”, đẩy sinh viên vào con đường vay nợ để tiếp tục theo học. Theo tạp chí Forbes, chỉ trong vòng 25 năm, học phí đại học ở Mỹ đã tăng 440%.
Các khoản vay của sinh viên được tính toán làm sao để sinh viên trả hết nợ trong vòng 10 năm. Nhưng kể từ cuộc khủng khoảng kinh tế năm 2008, thời gian trả hết nợ đã bị kéo dài thêm, vì sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm như kỳ vọng hay phù hợp với trình độ học vấn. Do vậy, nhiều sinh viên sẽ mất 30 năm mới trả xong nợ, tức là… khi con cái họ cũng vay tiền học đại học, tờ Boston Globe nhận xét một cách mỉa mai.
Tổng thống Mỹ Barack Obama rất quan tâm đến vấn đề này và đã ban hành nhiều biện pháp để chống lại làn sóng nợ nần của sinh viên bởi đây là sự đe dọa đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Ông đã ban hành một nghị định vào tháng 6 năm ngoái về việc xây dựng chương trình hỗ trợ sinh viên trả nợ. Chương trình “vừa kiếm tiền vừa trả nợ” cho phép sinh viên dùng 10% thu nhập hàng tháng để trả các khoản vay. Ông Obama cũng dự kiến sẽ miễn học phí cho sinh viên học tại đại học cộng đồng trong hai năm họ học tại đây.