KIM AN -
Tạp chí Journal American Medical Association (JAMA) vừa đăng nghiên cứu cho thấy có sự mâu thuẫn với lời khuyên đã có từ lâu của Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO) về việc hạn chế tỷ lệ sinh mổ.
Năm 1985, WHO cho biết không thể để một quốc gia có tỷ lệ sinh mổ cao hơn mức 10-15%. Nhưng khi so sánh tỷ lệ tử vong của mẹ và bé khi sinh so với tỷ lệ sinh mổ của các quốc gia trên toàn thế giới, nghiên cứu mới cho thấy các nước có thể hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong khi tỷ lệ sinh mổ ở mức 19%.
Sinh mổ chiếm 1/3 tổng số các ca phẫu thuật tại Mỹ.
Điều này nghe có vẻ trái khoáy với nhiều người. Khi nói về việc sinh mổ, chúng ta thường nghĩ càng ít sinh mổ càng tốt. Tuy nhiên, với các quốc gia phát triển, sinh mổ lại rất phổ biến, như ở Mỹ sinh mổ chiếm khoảng 1/3 số ca phẫu thuật. Các bác sĩ và phụ nữ mang thai đều muốn mổ bởi có thể giảm được rủi ro. Ví dụ như nếu tim bào thai có vấn đề, bác sĩ dễ dàng đưa vào phòng phẫu thuật.
Các nhà nghiên cứu kiểm tra tỷ lệ tử vong khi sinh hàng năm và tỷ lệ sinh mổ trên tất cả 194 nước thành viên của WHO, và số liệu cho thấy, sinh mổ đặc biệt quan trọng đến an toàn sinh sản. Theo tạp chí JAMA, khi tỷ lệ sinh mổ ở mức dưới 7%, rủi ro cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tăng cao. Mairead Black, bác sĩ sản khoa tại Đại học Aberdeen cho biết: “Lời khuyên của WHO đúng là lỗi thời. Có lẽ điều đó đúng tại thời điểm đó khi phụ nữ sinh con ở độ tuổi trẻ hơn và cũng ít bị bệnh béo phì hơn, nhưng lời khuyên này không còn phù hợp với những đối tượng có con ngày nay”.
Các nhà vận động sinh con tự nhiên lo sợ điều này không đúng. Nhưng quan trọng là con số 19% không phải là đơn thuốc cho việc sinh sản an toàn hơn. Số liệu có lẽ là rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu chưa thể khẳng định mối liên hệ giữa tỷ lệ sinh mổ là nguyên nhân giảm tử vong. Vì theo một bác sĩ, có nhiều yếu tố khác giúp tỷ lệ tử vong giảm. Các quốc gia có tỷ lệ sinh mổ cao là những nước có chi phí y tế nhiều nhất. Do vậy, đơn giản đẩy tỷ lệ sinh mổ lên cao sẽ không thể cải thiện tỷ lệ tử vong nếu các yếu tố chăm sóc khác không được cải thiện.
Một dẫn chứng xóa tan lập luận của nghiên cứu này là nước Guyana, một quốc gia Nam Mỹ, gần Brazil. Trong khi hầu hết các quốc gia có tỷ lệ sinh mổ khoảng 19% với tỷ lệ tử vong của mẹ và bé dưới 0,1% (100 ca tử vong trên 100.000 ca sinh sản), Guyana chứng minh điều ngược lại. Với tỷ lệ ca sinh mổ 19,5% vào năm 2012, 250 ca tử vong trong số 100.000 người mẹ chết trong khi sinh, tỷ lệ tử vong này cũng phổ biến tại các quốc gia có tỷ lệ sinh mổ dưới 7%.
[box] Năm 2013, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết dù tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở Việt Nam đã giảm nhưng còn ở mức cao. Hơn mười năm trước có đến 233 sản phụ tử vong/100.000 ca sinh sống, thì hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu giảm còn 58/100.000 vào năm 2015.
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy có đến 59% ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi là tử vong sơ sinh, ở nhóm dưới 1 tuổi thì 3/4 là trẻ sơ sinh. Như vậy, nguy cơ trẻ tử vong ngay trong tuần đầu vẫn còn rất cao. Theo số liệu những năm 2010-2012, tỷ lệ sinh mổ ở Hà Nội là 31,3%, Hồ Chí Minh là 29,5%, Hải Phòng là 20,4%, Cần Thơ là 19,4% so với WHO khuyến cáo tỷ lệ sinh mổ nên ở mức 10-15%.[/box]
Vậy sinh mổ là tốt hay xấu? Nghiên cứu của JAMA vẫn chưa trả lời được câu hỏi này. Theo các chuyên gia, để đưa ra lời khuyên đúng đắn, các nhà nghiên cứu cần nhìn kỹ hơn vào cơ cấu dân số để so sánh và biết được sự khác nhau tổng quan về sức khỏe, như tỷ lệ bà mẹ bị hen suyễn, béo phì… Hơn nữa, tuy chưa có khảo sát cụ thể nhưng các bác sĩ cũng nhận thấy trẻ sinh mổ dễ bị suyễn, hô hấp và tử vong cao hơn chút ít so với trẻ sinh thường.