ĐOÀN ĐẠI TRÍ -
Cờ tướng dùng người (cờ người) là môn thể thao kết hợp giữa trí tuệ của người chơi cờ khi phải “điều binh, khiển tướng” và sự mạnh mẽ, khéo léo của người đóng vai quân cờ khi chính họ phải dùng võ thuật để chiến thắng “quân cờ” của đối phương. Hiện nay, ở TPHCM, dù không thông dụng nhưng thú chơi cờ người vẫn còn được lưu giữ, chủ yếu là để biểu diễn trước công chúng ở những lễ hội lớn, có sự tham gia đông đảo của người dân.
Trong lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ (huyện Cần Giờ) diễn ra vào ngày 14-9 vừa qua, đội Cờ người Sài Gòn (quận 4) đã biểu diễn một ván cờ tướng võ thuật đầy sinh động.
Hai bên xanh đỏ đang dàn trận, chuẩn bị bước vào trận. Trận đấu diễn ra tại sân vận động ở thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ), trong sự chăm chú theo dõi của hàng ngàn người dân.
Thế xuất quân lấy pháo (đỏ) thọc sâu vào hàng ngũ quân địch chiếm tiên cơ là một trong những thế cờ cơ bản nhất, được hầu hết các người chơi cờ áp dụng. Trong ván cờ người ở Cần Thạnh, nước đi đầu cũng diễn ra như vậy.
Cờ người với những quân cờ là người thật còn thể hiện các thế võ. Một hình thức chơi kết hợp giữa trí tuệ và sự khéo léo, mạnh mẽ. Trong hình, song pháo “xanh-đỏ” đối đầu nhau.
Có nhiều thế cờ mà người chơi phải biết vận dụng để tấn công, và cũng là để phòng thủ. Trong hình, một thế cờ “xe pháo giáp biên” rất lợi hại, được nhiều kỳ thủ ưa sử dụng. Thế cờ này dễ khiến tướng quân đỏ ở thế bị chiếu bí.
Giây phút đối đầu căng thẳng và giằng co giữa các quân cờ với nhau, giữa một thế cờ và cả một trận cờ.
Các loại vũ khí của từng quân cờ như giáo, gươm, dao. Đây cũng là vũ khí ứng với các thế võ cổ truyền lâu đời.
Trong trận cờ còn có cả những “bóng hồng”, là những quân cờ nữ. Điều đặc biệt này khiến cho bàn cờ trở nên lý thú với người xem, và sự căng thẳng cũng phần nào giảm bớt.
Khi song xe (xanh) nhập cung và tướng (đỏ) không còn đường lùi thì trận cờ đã xong, dù còn nhiều quân nhưng đội đỏ phải buông vũ khí chấp nhận thua cuộc.