Hà Phương
Theo khảo sát chi phí sinh thoạt toàn cầu mới đây của Economist Intelligence Unit (EIU), một cơ quan chuyên nghiên cứu kinh tế toàn cầu thì Singapore tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất thế giới với giá cả hàng hóa cũng như chi phí sinh hoạt cao ngất ngưỡng.
Singapore đã vượt qua Paris (Pháp), Oslo (Na Uy), Zurich (Thụy Sĩ) và Sydney (Australia) để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tokyo (Nhật Bản), từng giữ vị trí “quán quân” mãi cho đến khi Singapore soán ngôi vào năm ngoái, được xếp vị trí thứ 11. Trong khi đó New York, thành phố đắt đỏ nhất của Mỹ xếp vị trí thứ 22.
Trong cuộc khảo sát năm nay, Melbourne (Australia), Geneva (Thụy Sĩ), Copenhagen (Đan Mạch), Hồng Kông (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) đều nằm trong top 10. Top 5 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm nay không thay đổi so với năm ngoái, trong khi ở top 10 xuất hiện 5 thành phố của châu Âu.
Kết quả khảo sát này cho thấy khoảng cách đang ngày một tăng tại khu vực Tây Âu giữa những thành phố nằm trong top đầu và những thành phố trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone. Ví dụ, giá cả sinh hoạt ở Paris cao hơn New York 26%, nhưng giá cả sinh hoạt ở Lisbon và Athens lại thấp hơn New York 26%.
Châu Á là khu vực được ghi nhận có mức giá sinh hoạt tăng nhanh trong vòng một năm qua, mặc dù nhiều thành phố của Nhật Bản rớt vị trí trong bảng xếp hạng vì tình trạng giảm phát và mất giá của đồng yen. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ tăng cao đã khiến cho New York tăng lên bốn vị trí. Cũng theo kết quả khảo sát trên, những thành phố có giá cả sinh hoạt thấp nhất thế giới rơi vào các khu vực như châu Á, Bắc Phi hay Nam Mỹ dù một số nơi đang phải đối mặt với sự bất ổn chính trị và kinh tế, nhưng đó chính là những yếu tố nguy cơ.
EIU xếp thành phố Karachi (Pakistan) là nơi đồng tiền có giá nhất, kế tiếp là Bangalore (Ấn Độ) và Caracas (Venezuela) mặc dù kinh tế Venezuela đang bấp bênh và người dân thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết. Năm ngoái Caracas nằm ở vị trí thứ 6, nhưng năm nay rớt xuống 124 bậc. Trong khi đó Ấn Độ có đến ba thành phố nằm trong top 6 những thành phố có giá cả sinh hoạt thấp nhất thế giới gồm Mumbai (thứ 4), Chennai (thứ 5) và New Delhi (thứ 6).
Cuộc khảo sát được thực hiện dựa trên giá cả của hơn 160 mặt hàng và những dịch vụ thiết yếu như lương thực, vật dụng gia đình, quần áo, giúp việc gia đình, hóa đơn điện nước, thuốc lá và rượu.