Sở Công Thương TPHCM cho biết, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi đã có phương án kéo dài thời gian hoạt động thời điểm trước và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhằm phục vụ người dân mua sắm. Những ngày cận tết, hầu hết các hệ thống siêu thị đều mở cửa đến 23:00.
- Rau ‘dỏm’ vào siêu thị: người tiêu dùng dè chừng, doanh nghiệp cần lấy lại niềm tin
- Siêu thị tại TPHCM đảm bảo hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn
- Để nông sản ĐBSCL vào siêu thị nhiều hơn
Theo thông tin của TTXVN, trong buổi trao đổi về kế hoạch cung – cầu hàng hóa và bình ổn thị trường dịp tết diễn ra vào ngày 5-1, Sở Công Thương TPHCM cho biết đơn vị đã vận động các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi kéo dài thời gian mở cửa vào những ngày cận tết và trong tết.
Từ ngày 20 đến 27-12 của tháng Chạp âm lịch, hệ thống siêu thị sẽ hoạt động từ 7 giờ đến 23 giờ. Trong hai ngày 28 và 29 tháng Chạp, siêu thị phục vụ khách hàng từ 6 giờ đến 24 giờ và ngày 30 tháng Chạp sẽ mở cửa buổi sáng từ 6 giờ đến 12 giờ.
Đối với lịch mở cửa những ngày Tết Nguyên đán 2023, từ mùng 2 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, hệ thống siêu thị sẽ đón khách từ 8 giờ đến 12 giờ trưa.
Trên địa bàn thành phố, số doanh nghiệp tham gia kế hoạch bình ổn thị trường chiếm 25-43% nhu cầu thị trường, tăng 10% so với các tháng trước. Còn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối, các chợ chiếm 57-75% nhu cầu thị trường.
Nguồn vốn của các doanh nghiệp tham gia vào bình ổn thị trường trong hai tháng tết dự kiến ở mức 20.000 tỉ đồng, trong đó, có khoảng 8.000 tỉ đồng là nguồn vốn cho hàng bình ổn giá. Riêng cao điểm trong tháng Chạp âm lịch, doanh nghiệp chuẩn bị khoảng 12.000 tỉ đồng.
Các mặt hàng nông sản cung ứng cho thành phố thông qua ba chợ đầu mối khoảng 7.600 tấn/ngày gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận tết, lượng hàng hóa nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, khoảng 13.000-15.000 tấn/ngày.
Ngoài ra, sở đã có phương án cho 4 nhóm doanh nghiệp thực hiện bán hàng lưu động do 4 đơn vị làm đầu mối là Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp thành phố, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố (HBA), Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra).
Các đơn vị sẽ cùng lực lượng chức năng triển khai 260 chuyến hàng lưu động trong 2 tháng cao điểm tết. Địa bàn hoạt động tập trung chủ yếu là các quận huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, xí nghiệp, bệnh viện…
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online