Chủ Nhật, Tháng 7 27, 2025

Siết bán hàng livestream, chuẩn hoá môi trường thương mại điện tử

A.I
(SGTT) - Dự thảo Luật Thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch, thúc đẩy môi trường kinh doanh bình đẳng. Theo đó, người bán sẽ phải định danh rõ ràng, chứng minh nguồn gốc hàng hóa, trong khi quyền lợi người mua được bảo vệ chặt chẽ hơn. Vai trò giám sát của các nền tảng trung gian cũng được làm rõ, đảm bảo mọi hoạt động dựa trên dữ liệu thực tế.

Đẩy mạnh định danh, siết nguồn gốc hàng hóa

Dự thảo Luật Thương mại điện tử mới với 6 nhóm chính sách trọng tâm được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý toàn diện cho kinh doanh trực tuyến. Lần đầu tiên, hoạt động livestream và tiếp thị liên kết được đưa vào phạm vi điều chỉnh, yêu cầu người bán định danh, cung cấp giấy tờ về nguồn gốc hàng hóa và tuân thủ nội dung quảng cáo đã đăng ký. Nội dung livestream sẽ được giám sát theo thời gian thực, đồng thời nghiêm cấm các phát ngôn gây hiểu nhầm về công dụng, xuất xứ, khuyến mại hay chính sách hậu mãi.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ Số, Bộ Công thương, nói dự thảo Luật Thương mại điện tử đang đưa hoạt động livestream bán hàng vào khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn. Theo đó, các KOL, KOC muốn livestream sẽ phải tham gia các khóa đào tạo về pháp luật thương mại điện tử và chuyên môn liên quan, đồng thời được cấp chứng nhận trước khi hoạt động.

Thay vì tự do bán hàng như trước, người bán sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn với sản phẩm, đảm bảo hàng hóa có nhãn đầy đủ, công khai thông tin và chứng nhận hợp quy. Những mặt hàng xách tay không được phép lưu hành cũng sẽ bị siết chặt, hạn chế cơ hội kinh doanh.

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định việc yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý cho hoạt động livestream được đánh giá là bước đi cần thiết nhằm minh bạch hóa thị trường, kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra nhiều thách thức cho hộ kinh doanh nhỏ, cá nhân bán hàng tự do và mô hình cộng tác viên. Họ có thể đối mặt với chi phí tuân thủ tăng, rủi ro bị đào thải nếu không đáp ứng yêu cầu về hóa đơn, nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt với nhóm kinh doanh hàng xách tay, thủ công. Giới chuyên gia cho rằng cần lộ trình phù hợp và hỗ trợ cụ thể để tránh làm gián đoạn hoạt động của nhóm bán hàng nhỏ lẻ.

Chia sẻ với KTSG Online, đại diện truyền thông thương hiệu Đảo Hải Sản, bà Nguyễn Hồng Thủy Tiên, nói doanh nghiệp đã triển khai quy trình kiểm soát nguồn gốc sản phẩm khi kinh doanh hải sản tươi sống trên nền tảng thương mại điện tử.

Mỗi lô hàng nhập về đều có hồ sơ đầy đủ gồm giấy chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch và an toàn thực phẩm, cho phép truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp cũng thường xuyên đánh giá và quản lý nhà cung cấp để đảm bảo tuân thủ quy định. Quy trình này nhằm công khai thông tin, tăng độ tin cậy với người tiêu dùng và củng cố vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Hoạt động livestream bán hàng đều đặn của doanh nghiệp. Ảnh: DNCC

Việc kiểm soát nội dung livestream và xác thực người bán được doanh nghiệp đánh giá là cần thiết nhằm tăng minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, với đặc thù ngành hàng tươi sống, quy trình kiểm duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng.

Doanh nghiệp đã chuẩn hóa quy trình livestream, đào tạo đội ngũ nội dung và phối hợp với các sàn TMĐT để rút ngắn thời gian xác thực. Phía doanh nghiệp kiến nghị nên thực hiện xác minh pháp lý theo định kỳ (tuần hoặc tháng), kết hợp cơ chế hậu kiểm, để vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn trong môi trường thương mại điện tử.

Ông Tuấn cho biết, dự thảo mới tăng trách nhiệm cho các sàn thương mại điện tử với vai trò trung gian, yêu cầu phối hợp gỡ sản phẩm vi phạm trong 24 giờ sau khi phát hiện. Việc thiếu minh bạch có thể khiến người bán bị đánh giá xấu, giảm cơ hội tiếp cận khách hàng. Theo ông, khi thị trường minh bạch hơn, chỉ những nhà bán tuân thủ quy định mới có thể tồn tại lâu dài, và nền tảng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra sai phạm.

Tăng lợi thế cạnh tranh chuyên nghiệp

Được biết, dự thảo Luật Thương mại điện tử không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn mở rộng quyền lợi cho nhà bán hàng, như quyền lựa chọn đơn vị logistics, thanh toán, tiếp cận và tải dữ liệu sản phẩm để sử dụng trên nền tảng khác. Những cơ chế ưu tiên hiển thị sản phẩm cũng sẽ được kiểm soát nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, hạn chế sự phụ thuộc vào nền tảng hay chi phí.

Từ VECOM, theo dự thảo Luật Thương mại điện tử (sửa đổi), các sàn TMĐT sẽ không được ưu tiên hiển thị sản phẩm một cách thiếu minh bạch hoặc che giấu đánh giá tiêu cực. Đồng thời, phải tăng cường kiểm duyệt và gỡ bỏ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vị này nói thêm.

Để vừa tuân thủ vừa duy trì hiệu quả kinh doanh, các sàn cần minh bạch tiêu chí thuật toán hiển thị, thay vì vận hành theo cơ chế "hộp đen". Các tiêu chí có thể dựa trên chất lượng sản phẩm, đánh giá người mua, tỉ lệ giao hàng thành công, mức độ tuân thủ, giá bán minh bạch, phản hồi và tỉ lệ huỷ đơn. Công khai các tiêu chí này sẽ giúp người bán hiểu rõ "luật chơi", tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Song song đó, các sàn cần đầu tư hệ thống kiểm duyệt kết hợp công nghệ và con người, xây dựng quy trình kháng nghị công khai và tăng cường định danh người bán để hạn chế tình trạng “ve sầu thoát xác”.

Về phía doanh nghiệp, người bán hàng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai, ổn định các tiêu chí thuật toán hiển thị sản phẩm trên sàn. Việc này giúp người bán hiểu rõ “luật chơi”, chủ động tối ưu nội dung, kế hoạch kinh doanh.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết năm 2024 nền tảng ghi nhận tăng trưởng mạnh về số đơn hàng và duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2025. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, TikTok đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái ổn định, hỗ trợ nhà bán hàng, người sáng tạo nội dung và các đối tác phát triển lâu dài.

“Chúng tôi luôn cập nhật, thích ứng với thay đổi trong hệ thống pháp luật nhằm mang lại sự yên tâm cho người bán và nhà sáng tạo, giúp họ yên tâm đầu tư và vận hành doanh nghiệp,” ông Thanh chia sẻ.

Ở góc độ nhân lực, TikTok phối hợp với các bộ ngành để triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số, đặc biệt cho lực lượng lao động trẻ. Ngoài kỹ năng chuyên môn, nền tảng còn chú trọng đào tạo kỹ năng sống, nhằm giúp người lao động tận dụng hiệu quả công cụ số để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiều yêu cầu mới đặt ra siết chặt hoạt động livestream bán hàng. Ảnh: DNCC

Được biết, nền tảng này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 1,8 lần trong năm 2024 so với năm trước, nhờ vào các hoạt động như tiếp thị liên kết, livestream, video ngắn, trung tâm mua sắm (Shop Tab) và sự mở rộng của TikTok Shop Mall. Hệ thống ghi nhận số lượng nhà bán hàng chính hãng tăng gần 3 lần, với khoảng 2.400 thương hiệu, nhà phân phối tham gia. Trong 6 tháng đầu năm 2025, con số này tiếp tục tăng với hơn 1.600 nhà bán hàng chính hãng mới gia nhập.

Doanh thu từ hình thức livestream và video ngắn lần lượt tăng 2,3 lần và 1,9 lần, cho thấy hành vi người tiêu dùng tiếp tục dịch chuyển sang các hình thức mua sắm có yếu tố tương tác trực tuyến.

“Dự thảo luật đang được lấy ý kiến và dự kiến thông qua vào tháng 10-2025, có hiệu lực từ đầu năm 2026. Sau đó, nghị định hướng dẫn sẽ được ban hành kèm theo các chương trình đào tạo trực tuyến và trực tiếp nhằm hỗ trợ nhà bán hàng, cá nhân kinh doanh hiểu và tuân thủ quy định”, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lần đầu tiên Việt Nam có sàn thương mại điện tử...

0
(SGTT) - Sàn thương mại điện tử B2B xanh đầu tiên tại Việt Nam chính thức ra mắt vào ngày 1-7. Đây là nền...

Từ 1-7, bán hàng online nộp thuế thế nào cho đúng?

0
(SGTT) - Từ ngày 1-7, theo Nghị định 117/2025/NĐ-CP, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số sẽ phải thực hiện khấu...

Xử lý hơn 11.000 gian hàng thương mại điện tử có...

0
(SGTT) - Trong 6 tháng đầu năm 2025, hơn 11.000 gian hàng thương mại điện tử có dấu hiệu sai phạm đã bị xử...

Bán hàng online phải chuyển từ tự phát sang vận hành...

0
(SGTT) – Quy định sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho nhà bán hàng đặt ra áp lực không nhỏ cho việc...

Từ 1-7, sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế...

0
(SGTT) - Từ ngày 1-7, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số sẽ phải khấu trừ, kê khai và nộp thay...

Cơ hội tìm đối tác quốc tế cho doanh nghiệp Việt...

0
(SGTT) - Hàng triệu nhà mua hàng toàn cầu của Alibaba có thể dễ dàng tìm thấy hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và...

Kết nối