Các shipper đã “vào guồng” và tăng tốc giao hàng cho người dân tại các “vùng xanh”, “vùng đỏ”; các app, sàn thương mại điện tử cũng hoạt động trở lại, mở các gian hàng mới. Sở Công Thương TPHCM đề nghị các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phổ biến mô hình “đi chợ giùm” thông qua các app đặt hàng nhằm hỗ trợ mở rộng kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
- Shipper trở lại, người dân TPHCM đỡ lo chuyện chậm giao hàng dù ở vùng nào
- Vui buồn shipper mùa dịch
Shipper tăng tốc giao hàng cho người dân
Anh Thanh Hiếu, một shipper hoạt động tại “vùng đỏ” quận 8, cho biết trong ngày 1-9 anh bắt đầu ra xe hoạt động trở lại sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ cung cấp cho công ty, giấy đi đường, cũng như đi xét nghiệm nhanh vào sáng sớm. Trong buổi sáng anh nhận hơn chục đơn hàng từ người dân trong quận, chủ yếu là rau củ quả, thịt cá và thuốc men.
Trong ngày 31-8, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ là 101.645 hộ, giảm 42,5% so với ngày hôm trước. Trong đó, 101.443 hộ đã được cung ứng hàng hóa, đạt tỷ lệ 99,8%. Tính từ từ ngày 23-8 đến nay, đã có 892.960 hộ đăng ký “đi chợ hộ”, chiếm 45,94% tổng số dân đang sinh sống trên địa bàn. 775.902 hộ đã được cung ứng hàng hóa, đạt 86,89%. Theo Sở Công Thương, tổng nhu cầu đặt hàng “đi chợ giùm” trong 2 tuần TPHCM áp dụng siết giãn cách là 1.943.679 hộ, chiếm 77,6% tổng số hộ dân trên địa bàn TPHCM.
Anh Võ Minh Cường, một shipper hoạt động tại “vùng xanh” quận 6, nói rằng mấy hôm nay số lượng đơn hàng tăng vọt vì nhiều người đã hết dự trữ thực phẩm, thuốc men. Mỗi ngày anh đều nhận hơn chục đơn hàng khác nhau từ người dân. Tại “vùng xanh”, việc nhận đơn hàng, giao hàng dễ hơn so với “vùng đỏ” nên shipper tăng tốc giao hàng khi số lượng đơn hàng tăng vọt.
Ghi nhận trong các ngày 31-8 và 1-9, các công ty cung cấp dịch vụ shipper cho hay sau khi TPHCM cho phép shipper hoạt động trở lại tại các “vùng đỏ” từ 30-8 thì số lượng shipper tăng trung bình khoảng 10-30%, còn số lượng đơn hàng tăng khoảng 40-70% so với trước ngày 30-8.
Theo Sở Công Thương, việc tham gia của đội ngũ shipper chuyên nghiệp sẽ góp phần rất lớn, giúp giảm áp lực cho lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, việc triển khai “đi chợ giùm” tùy theo tình hình của từng địa phương, nếu địa phương nào lực lượng mỏng chưa đáp ứng được so với nhu cầu của người dân thì cần sớm báo cáo để có các giải pháp hỗ trợ.
Hiện nay, các gói combo hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, nhưng một số người dân có nhu cầu đặc biệt do tình hình sức khỏe, bệnh lý, bệnh nền… nên việc cung ứng các combo cần có sự linh hoạt, kịp thời hơn từ địa phương, Sở Công Thương TPHCM cho biết.
Triển khai “đi chợ giùm” qua các app đặt hàng
Thực tế, sau khoảng hơn 1 tuần triển khai mô hình “đi chợ giùm” thông qua các lực lượng địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, đã xuất hiện tình trạng quá tải, ùn ứ đơn hàng và khó khăn trong khâu vận chuyển, cung ứng cho người dân. Để khắc phục tình trạng này, UBND TPHCM đã thống nhất cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) hoạt động trở lại tại 8 quận, huyện “vùng đỏ” từ ngày 30-8.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM cho hay đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc hỗ trợ triển khai mô hình “đi chợ giùm” thông qua các app như Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab…
Việc triển khai này sau khi có đề xuất hỗ trợ miễn phí sử dụng nền tảng công nghệ sẵn có và bổ sung lực lượng giao hàng từ các doanh nghiệp giao hàng công nghệ và sàn thương mại điện tử.
Sở Công Thương cho hay đã làm việc, giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp quản lý shipper với các địa phương để khai thác nền tảng công nghệ của các hệ thống này trong việc cung ứng, giao nhận hàng hóa tại mỗi khu vực.
Sở Công Thương sẽ cung cấp thông tin đầu mối các giải pháp ứng dụng “đi chợ giùm” của các doanh nghiệp giao hàng công nghệ, sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Be, Sendo, Grab… đến UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để triển khai.
Các sàn thương mại điện tử hoạt động trở lại
Ngày 1-9, đại diện Lazada Việt Nam cho hay đã khởi động lại dịch vụ giao hàng tại TPHCM nhằm cung ứng, giao nhận nhu yếu phẩm cho người dân.
Lazada đã chuẩn bị nhân sự giao nhận hàng với toàn bộ đội ngũ nhân viên shipper được tiêm vaccine, trang bị bộ kit an toàn và thực hiện quy định 5K để người dân có thể yên tâm khi nhận hàng. Lazada cũng làm việc với các đối tác để mở rộng nguồn cung sản phẩm, đại diện sàn thương mại điện tử này cho biết thêm.
Sàn thương mại điện tử Voso.vn (Viettel Post) cho hay trong ngày 1-9 đã triển khai gian hàng “đi chợ online” trên Voso.vn để cung cấp, vận chuyển thực phẩm thiết yếu cho người dân toàn TPHCM. Người dân có thể đặt đơn hàng bằng cách truy cập vào gian hàng, lựa chọn combo rau quả theo nhu cầu, điền địa chỉ nhận hàng và thanh toán trực tuyến. Gian hàng này có các loại combo rau xanh, trái cây với nhiều mức giá, bao gồm mướp, bí xanh, cà tím, dưa leo, bí đỏ hồ lô, cam, khóm…
Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn thương mại điện tử Voso.vn cho hay ngay trong ngày đầu mở bán, gian hàng “đi chợ online” trên Voso.vn đã ghi nhận hơn 11.000 đơn hàng. Hiện đơn vị này có thể cung ứng 150-200 tấn hàng hóa/ngày tại TPHCM.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ thay cho phương án thủ công không chỉ giúp duy trì chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân mà quan trọng hơn, sẽ giảm thiểu đến mức tối đa công sức của lực lượng tuyến đầu chống dịch để họ tập trung thực hiện những nhiệm vụ cấp bách khác và hỗ trợ được nhiều người dân hơn nữa. Đối với người dân nhờ phương thức giao kết điện tử, người dân được cung cấp hàng hóa một cách an toàn hơn nhờ giảm thiểu tiếp xúc vật lý; việc đặt hàng được thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả… Đối với đơn vị cung ứng hàng hóa (siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi…) sẽ giúp tăng hiệu quả kết nối với người tiêu dùng; thuận tiện hơn trong quản lý đơn hàng, doanh thu; tiết kiệm thời gian…”
Chánh Trung
Theo Kinh tế Sài Gòn Online