Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim sau 2 năm

Sau 2 năm vắng bóng, sáng 7-3, bốn cá thể sếu đầu đỏ đã về Vườn quốc gia Tràm Chim, bay lượn và đậu lại khoảng nửa giờ.
Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim trong những năm trước. Ảnh minh họa: Trường Sinh

Ngày 8-3, ông Đoàn Văn Nhanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết khoảng 10:30 ngày 7-3, trong lúc kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy, nhân viên Vườn quốc gia Tràm Chim đã phát hiện 4 cá thể sếu đầu đỏ xuất hiện tại tại phân khu A5.

Theo ông Nhanh, trước đây, vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng tháng 12 năm trước đến hết tháng 4 năm sau), sếu đầu đỏ thường di cư tới Vườn quốc gia Tràm Chim. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, sếu đầu đỏ không còn xuất hiện tại vườn quốc gia này.

“Thông thường, trong đàn sếu sẽ có những cá thể “tiền trạm”, trước khi cùng cả đàn ở lại khu vực kiếm ăn nào đó tới hết mùa di cư. Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có thêm các cá thể sếu đầu đỏ trở lại Tràm Chim", ông Nhanh nói.

Các cá thể sếu đầu đỏ đã đáp xuống Vườn quốc gia Tràm Chim khoảng 30 phút, sau đó bay về hướng phân khu A4. Hiện, Vườn quốc gia Tràm Chim đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24 tại bãi ăn khu A5 và các phân khu khác (nơi sếu đầu đỏ từng kiếm ăn), cũng như các vùng lân cận, để giám sát và có định hướng quản lý phù hợp.

Vườn cũng phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra xung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào bắt ong, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ. Đồng thời, vườn cũng tăng cường bổ sung nguồn thức ăn phụ (lúa) cho sếu khi quần thể sếu ổn định, nhằm thu hút sếu về đông hơn.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Tràm Chim tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi hệ sinh thái, đặc biệt là quần xã năng kim, tạo điều kiện thuận lợi cho sếu đến kiếm ăn.

Sếu đầu đỏ là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ Thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ; là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và của tỉnh Đồng Tháp nói chung. Lần gần đây nhất ghi nhận sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim vào năm 2021 và chỉ có 3 cá thể.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân...

0
(SGTT) - Ngày 20-11, Liên Hiệp Quốc thông báo hơn 50 chính phủ đã ký tuyên bố chung thúc đẩy du lịch bền vững...

Rừng đang ‘chảy máu’

0
(SGTT) - Những năm qua, rất nhiều cây gỗ quý, cây lâu năm ở Việt Nam đã bị đốn hạ để phục vụ nhu...

Quảng Nam có ‘làng du lịch tốt nhất thế giới’

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa được vinh danh là một trong 55 làng du...

Bảo tồn đa dạng sinh học từ góc nhìn đề án...

0
(SGTT) - Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung....

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn cách xác định ‘dấu chân’ carbon để hướng đến du...

0
(SGTT) – Xác định "dấu chân" carbon, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng...

Kết nối