CHÍNH PHONG -
Đã từng xảy ra trong nhiều năm, cứ sau tết là doanh nghiệp lo thiếu nhân lực do lao động nhảy việc. Trong đó, có nhân sự về quê ăn tết và không trở lại đô thị; cũng có nhiều nhân sự làm tròn năm để lãnh các khoản lương thưởng và đầu năm tìm cho mình “bến” mới, với mức lương và đãi ngộ cao hơn.
Ít biến động
Nhiều người đã trở lại TPHCM làm việc sau những ngày nghỉ tết. Ảnh: Thành Hoa
Ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, hiện các trang tuyển dụng trực tuyến như Career Link, Career Builder, Việc làm 24h, Việc làm TPHCM… đang hoạt động sôi nổi hơn các thời điểm khác trong năm. Nếu như trước tết, chủ yếu các doanh nghiệp tuyển lao động thời vụ cho mùa tết thì sau tết, họ đăng tuyển lao động dài hạn. Bà Phúc Hạnh, quản lý cấp trung của trang môi giới Việc làm 24h cho biết: “Vào ngày đi làm đầu năm mới 15-2, tất cả các quản lý và nhân viên đều ở tình trạng quá tải do phải làm việc quá nhiều”, bà Hạnh nói.
Trên trang Việc làm 24h, có trên 17.800 việc làm sẵn sàng chờ người mới, trong đó có 11.000 việc làm chuyên môn sâu theo các ngành nghề như nhân viên kinh doanh, kỹ sư cơ khí, lập trình viên, kế toán viên… Tiếp theo là các việc làm phổ thông/nghề như công nhân cơ khí, tài xế… (3.370), rồi tới việc làm quản lý (1.870) và việc làm sinh viên – bán thời gian (1.560). Tuy nhiên, chính trên trang này cũng có đến xấp xỉ 440.000 hồ sơ người tìm việc. Điều này chứng tỏ nhu cầu nhảy việc nhiều, chứ không phải do số người thất nghiệp đang tìm việc nhiều, theo như bà Trúc Ngân ở trang Career Link nhận xét: “Nhiều người vẫn duy trì công việc của mình, nhưng vẫn nộp hồ sơ ứng tuyển vào những công việc tốt hơn để chờ đợi cơ hội, vì ai cũng biết sau Tết Nguyên đán là một mùa tuyển dụng lớn”.
Còn với những công nhân ở các khu chế xuất tại TPHCM, nhu cầu nhảy việc hiện tại là không lớn, theo như ông Nguyễn Tấn Phước, Phó ban thường trực Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA). “Hiện chưa có thống kê cụ thể tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2016 từ 16 khu công nghiệp thuộc HEPZA gửi lên, nhưng qua việc đi khảo sát thực tế ở các khu công nghiệp trong ngày làm việc đầu năm (15-2), chúng tôi nhận thấy có đến 80% công nhân đi làm trở lại, số còn lại nghỉ phép chưa trở lại làm việc”, ông Phước cho biết.
Cũng theo ông Phước, các năm trước, tình trạng bỏ việc của công nhân ở các doanh nghiệp nằm trong HEPZA cũng không lớn, tôi cho rằng đó là do chính sách của Nhà nước cho phép công nhân ở các thành phố lớn như TPHCM có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, chỉ đạo từ UBND TPHCM xuống các doanh nghiệp là phải chăm sóc công nhân, tặng quà, thưởng tết, giảm giá vé xe về tết, giảm giá dịch vụ công cộng ở TPHCM khi họ ở lại TPHCM ăn tết… khiến họ ấm lòng trụ lại với công việc hiện tại.
Hàng chục ngàn việc làm đang đợi
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, năm 2015, có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với 80.958 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực vẫn rất lớn. Báo cáo từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại TPHCM trong sáu tháng đầu năm 2015 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Nhu cầu tuyển dụng trong sáu tháng cuối năm 2015 còn tăng ngoạn mục hơn, 24,02% so với sáu tháng đầu năm 2015.
Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của TPHCM giai đoạn 2016-2020, tổng hợp khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp và ứng dụng các phương pháp phân tích dự báo nhu cầu nhân lực, FALMI đưa ra dự báo năm 2016, TPHCM có nhu cầu 270.000 chỗ làm việc, trong đó có khoảng 130.000 chỗ làm việc mới; nhu cầu tuyển dụng trải đều vào bốn quý: quý 1 là 65.000 chỗ làm việc, quý 2 là 70.000, quý 3 là 70.000 và quý 4 là 65.000.
Cũng theo báo cáo từ FALMI, nhu cầu nhân lực của các ngành năm 2016 ở TPHCM chủ yếu tập trung vào dịch vụ chiếm 64,95%, công nghiệp và xây dựng chiếm 32,84%, còn lại là nông-lâm-ngư nghiệp chỉ chiếm 2,21%.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc FALMI, Việt Nam hội nhập vào kinh tế toàn cầu với việc tham gia TPP, AEC, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), thực hiện lộ trình cam kết WTO, AFTA… nên cơ hội việc làm mở ra nhiều là hợp lý. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là phát triển thị trường lao động TPHCM vẫn chưa đồng bộ, đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.
[box] Trong tháng 2-2016, dự kiến doanh nghiệp tại TPHCM có nhu cầu việc làm cần tuyển 19.000 lao động, trong đó 30% việc làm bán thời gian, lao động thời vụ. Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động là marketing, bán hàng, dịch vụ du lịch, nhà hàng-khách sạn, phục vụ tổ chức sự kiện-hội chợ-hội nghị khách hàng, vệ sinh công nghiệp-dân dụng, thiết kế cảnh quan-chăm sóc cây cảnh, nghiên cứu thị trường, người dẫn chương trình, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc gia đình, giao hàng, nhân viên bảo vệ, sữa chữa xây dựng, sữa chữa điện dân dụng-điện lạnh-điện-điện tử, chế biến thủy sản-thực phẩm, dệt may-giày da, thiết kế-quảng cáo-truyền thông…[/box]
Theo dự báo của FALMI về thị trường lao động tại TPHCM trong tháng 2-2016, bên cạnh nhu cầu ổn định công việc của người lao động và các chính sách lương-thưởng được quan tâm từ các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, nên sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 không cao. Dự kiến mức thiếu hụt lao động sau tết bình quân 3-4%, mức độ di chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân 6-8% trong quý 1-2016.