Bộ Nội vụ đề xuất, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sáp nhập thì cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sẽ được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng.
- Gần 488.000 ca Covid-19 đã khỏi bệnh; công chức TPHCM được đi làm theo khung giờ
- Đề xuất tăng 12,5-20,8% lương hưu từ ngày 1-7
Theo cổng thông tin điện tử chính phủ, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định liên quan đến chính sách tinh giản biên chế.
Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư được do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nghỉ trong thời gian 6 tháng sẽ được hưởng thêm mức trợ cấp theo hai phương án gồm:
Phương án 1 là cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì cán bộ dôi dư sẽ được hưởng trợ cấp bằng 1,8 triệu đồng, bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ 1-7-2023.
Như vậy, ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì mỗi người được thêm một mức trợ cấp bằng nhau. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 5 năm thì tối đa mỗi người được hưởng thêm mức trợ cấp là 108 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là mức trợ cấp chưa đủ lớn để khuyến khích người lao động nghỉ trước lộ trình giải quyết dôi dư của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với phương án thứ 2, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp bằng 50% tháng lương hiện hưởng.
Như vậy, nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 5 năm và hệ số lương trung bình là 3,66 thì trung bình mỗi người được hưởng trợ cấp khoảng 197,64 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có mức trợ cấp khác nhau dẫn đến có sự so sánh giữa các nhóm.
Theo thống kê, đến ngày 30-6-2022, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản được 79.024 người. Trong đó, ở địa phương tỉnh giản là 73.514 người; còn ở bộ, ngành là 5.510 người.
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online