Hoàng Xuân Phương -
Một loạt những nghiên cứu kéo dài nhiều năm tại Nhật Bản đi đến kết luận phải định nghĩa lại tuổi già, không còn là 65 mà là 75 tuổi.
Với tiến bộ y học và hiện tượng già hóa dân số, vấn đế tuổi già đang được định nghĩa lại.
Hiện tượng già hóa dân số không chỉ diễn ra ở Nhật Bản mà ở hầu hết các nước với những mức độ khác nhau. Trong khi đó tỷ suất sinh có khuynh hướng giảm xuống, điều kiện sức khỏe mỗi ngày một tốt hơn, và tuổi thọ con người mỗi ngày một tăng. Cùng lúc này, tỷ lệ người già tự nguyện tham gia công việc cũng mỗi năm một tăng. Họ chưa cảm thấy sức khỏe và trí tuệ suy giảm, họ muốn tiếp tục cống hiến, muốn giảm bớt gánh nặng cho con cháu, và không muốn sống chật vật với các khoản tài trợ từ chính phủ hay các tổ chức xã hội.
Tờ Japan Times cho biết, tuổi già hay tuổi nghỉ hưu ở Nhật Bản hiện tại được định là 65 tuổi và chiếm đến một phần tư dân số đất nước này. Chẳng bao lâu nữa, tỷ lệ này lên đến một phần ba, vào năm 2035 và sẽ cao hơn vào những năm sau đó. Sự chuyển biến này quá nhanh, đặt Nhật Bản vào hàng đầu các nước phải đối phó vô vàn khó khăn với sự già hóa dân số. Với tỷ suất sinh không tăng, lực lượng lao động trong độ tuổi 15-64 đang giảm. Kết quả, cứ 2,1 người lao động đang phải “cõng” một người về hưu, trong khi đó chi phí an sinh xã hội cho một người già cao gấp 10 lần so với người đang ở tuổi lao động.
Bắt đầu từ năm 2017, Chính phủ Nhật Bản cần đến sự phụ giúp ở mức nào đó của những người về hưu đối với các chi phí y tế và nuôi dưỡng cho chính họ. Ý tưởng này cho thấy người già có thể hỗ trợ tiếp tục cho hệ thống an sinh xã hội ở mức họ có thể, hay nói cách khác họ có quyền làm việc tùy theo điều kiện của mình để có thêm thu nhập. Việc cải tổ này là không thể tránh khỏi, nhưng mặt khác lại đang là nguyện vọng của những người già. Một khảo sát được tờ báo Nhật dẫn lại cho thấy, có đến 70% những người trên 65 tuổi (tuổi hưu ở Nhật Bản) muốn tiếp tục làm việc. Trong năm tài khóa 2015, số người làm việc sau tuổi 65 đã lên đến 7,3 triệu người, chiếm đến 11,4% lực lượng lao động chung của cả nước.
Những con số trên đây cho thấy việc định nghĩa lại tuổi già, từ 65 lên 75 tuổi mang ý nghĩa quan trọng, và người ta đề nghị dùng thuật ngữ ‘nửa già’ để chỉ những người trong hạn tuổi trung gian này. Đề nghị việc đưa tuổi già lên mức 75 được đưa ra bởi Hiệp hội Người già Nhật Bản và Hội Lão khoa Nhật Bản theo sau những kết quả nghiên cứu của các học giả dựa trên nền tảng y tế mà theo đó tình trạng sức khỏe tuổi già đã có những tiến bộ nhanh chóng. Đề nghị này mang tầm ảnh hưởng cộng đồng rất lớn lên tương lai hệ thống an sinh và việc làm. Đề nghị này cũng đưa tỷ lệ dân số già hiện nay tại nước này từ mức 26,7% xuống còn 13%.
Quan điểm này cũng được đưa ra theo sau một loạt nghiên cứu khảo sát tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, theo đó, có 41,1% những người từ độ tuổi 40 trở lên đề nghị đưa mức nghỉ hưu lên 70, 16% đề nghị mức 75, và 20% đề nghị vẫn giữ mức 65 tuổi. Tuổi thọ tại Nhật Bản nay đang ở mức rất cao so với thế giới, tuổi trung bình đối với những người không cần hỗ trợ thuốc men hay chăm sóc nay đã lên đến 71,2 năm đối với nam, và 74,2 năm đối với nữ giới; 87% những người trong hạn tuổi 65-69 và 82% những người trong hạn tuổi 70-74 cho biết họ không có vấn đề gì về sức khỏe. Các nhà khoa học cũng cho biết những tiến bộ y học trong thập kỷ qua đã làm cho con người tại đây kéo dài tuổi trẻ (sức khỏe, sự minh mẫn) thêm 5-10 năm.
Ở nhiều nước, khuynh hướng nhắm vào lực lượng lao động lớn tuổi để bù vào sự thiếu hụt lao động này cũng đang diễn ra và người ta nâng mức tuổi nghỉ hưu trong các doanh nghiệp lên mức 60-65 tuổi. Bộ Lao động Nhật Bản cho biết trong số 153.000 doanh nghiệp được khảo sát ở nước này, có đến 74,1% thuê mướn lao động lớn hơn 65 tuổi, và cũng có đến 21,2% chấp nhận mức tuổi hưu cho doanh nghiệp mình lên đến 70 tuổi chứ không phải 65 tuổi như thường lệ.