(SGTT) – Ngoài việc sử dụng thuốc an toàn và đúng cách trong quá trình điều trị Covid-19, nhiều trường hợp bệnh nhân Covid-19 (F0) sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà có thắc mắc: “Sau khi đã điều trị khỏi, F0 có cần phải uống thuốc gì không?”
- Người mắc Covid-19 có nên tự mua thuốc theo đơn điều trị tại nhà không?
- Thắc mắc mùa dịch: “Tiêm trộn” vắc-xin Moderna và Pifzer, thế giới đã làm thế nào?
Trả lời vấn đề này trong chương trình tư vấn trực tuyến “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người nhiễm Covid-19” do Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức, TS. DS Nguyễn Quốc Hòa, Giảng viên Bộ môn Dược lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết: “Bệnh nhân Covid-19 đã được xuất viện nghĩa là không còn virus trong người và không còn khả năng lây bệnh. Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh nhân có cần phải dùng thêm thuốc nào khi xuất viện không. Trường hợp có sử dụng thêm thuốc nên uống theo đơn của bác sĩ nhưng đây là trường hợp thiểu số”.
Đa số các trường hợp đã khỏi Covid-19 đều không cần dùng thêm thuốc, chỉ cần bệnh nhân ăn uống, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể hồi phục là đủ.
Trong thời gian vừa qua, để góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong, giúp người mắc Covid-19 được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng và chủ động, Sở Y tế TPHCM đã cấp phát túi chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân vẫn băn khoăn về vấn đề sử dụng thuốc, đặc biệt những người mắc Covid-19 sẽ dùng các gói thuốc A, B, C như thế nào và cần có các lưu ý quan trọng gì trong quá trình sử dụng.
Về vấn đề này, TS. Quốc Hòa cho biết các nhóm thuốc để điều trị Covid-19 phải được dùng đúng thời điểm, sẽ giúp phát huy tác dụng tốt và làm giảm tác dụng phụ của thuốc.
Theo đó, với gói thuốc A, paracetamol chỉ nên dùng khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, không nên uống ngay khi chỉ mới hơi sốt (dưới 38,5 độ C). Viên paracetamol 500mg được Bộ Y tế khuyến cáo uống tối đa 4 lần/ngày, khoảng cách giữa mỗi lần nên cách nhau ít nhất 4 tiếng vì đã có trường hợp bệnh nhân bị suy gan cấp do uống quá liều thuốc này.
Ngoài ra, bệnh nhân nên kết hợp uống nhiều nước, có thể dùng nước dừa, nước trái cây, nước oresol để hỗ trợ giảm sốt.
Khi sử dụng gói thuốc B, bệnh nhân cần lưu ý thời điểm dùng thuốc. Người bệnh chỉ dùng khi có dấu hiệu trở nặng và không liên hệ được y tế. “Việc dùng sớm ngay từ đầu có thể khiến bệnh trở nặng hơn. Trong quá trình điều trị tại nhà, bệnh nhân tốt nhất nên có máy đo SpO2. Trường hợp chỉ số SpO2 dưới 95% hoặc nếu không có máy, nhịp thở trên 20 lần/phút; cảm thấy khó thở, hụt hơi thì cần liên hệ y tế. Trường hợp bệnh nhân không liên hệ được với các cơ sở y tế, mới bắt đầu dùng túi thuốc B dưới sự tham vấn của bác sĩ”, TS. Quốc Hòa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có tiền sử đau loét dạ dày nên dùng thêm thuốc ức chế tiết acid như pantoprazol, esomeprazole… bằng cách uống 1 viên trong ngày để dự phòng.
TS. Quốc Hòa lưu ý các thuốc trong túi B nên uống sau ăn và tốt nhất uống sau khi ăn sáng. Bệnh nhân nên nhớ các thuốc này chỉ hỗ trợ tạm thời. Người bệnh cần liên hệ y tế để vào bệnh viện dùng thuốc đặc trị tốt hơn, hoặc qua số điện thoại 1022 để được hướng dẫn uống thuốc đúng cách trong trường hợp không kịp liên lạc với cơ sở y tế.
Với bệnh nhân bị bệnh mạn tính, đang dùng thuốc nhưng chưa kịp đưa đến các cơ sở y tế thì cần tiếp tục uống các thuốc điều trị bệnh mạn tính bên cạnh việc dùng các thuốc điều trị Covid-19.
Minh Thảo