(SGTTO) - Những ngày qua, sau khi fanpage Nas Daily về du lịch và lối sống đăng tải hai video đầu trong chuỗi video về Việt Nam, không ít người đã cho rằng chúng không thực tế và không tiếc lời chỉ trích.
Cụ thể, trong video tải lên ngày 8-11 mang tên “How Happy is Vietnam?” (Việt Nam hạnh phúc như thế nào?), Nas Daily dẫn một nghiên cứu cho rằng 78% người Việt mà blogger này tiếp xúc nói rằng họ sống hạnh phúc. Anh cũng chia sẻ Việt Nam “có lẽ là một trong những đất nước hạnh phúc nhất thế giới”.
Video này cũng giới thiệu những cảnh đẹp của dải đất hình chữ S như vịnh Hạ Long, các bãi biển, cánh đồng… cùng với sự sôi động của cuộc sống về đêm nơi thành thị.
Người xem cũng được nhắc nhớ về món phở trứ danh cùng các nguyên liệu và hương vị của nó, cả thói quen thưởng thức cà phê đen đá và cà phê sữa của người Việt.
Video tới nay đã nhận gần 600.000 lượt bày tỏ cảm xúc trên fanpage, hơn 42.000 lượt bình luận. Và Pew Pew – người hợp tác với Nas Daily để làm các video này – đã “chêm” vào cuối đoạn phim rằng Việt Nam vẫn còn những mặt tồn tại, chẳng hạn về rác thải, và người Việt luôn cố gắng giải quyết các vấn đề bằng nụ cười.
Nhưng một số bình luận cho rằng đây là sự “lạc quan tếu”, “phi thực tế”, “cười thì làm được gì”.
Một số quan điểm khác trên các trang mạng thắc mắc tại sao Nas Daily không nói về những nỗi khổ của người Việt, những vấn đề tồn đọng, tình trạng lao động bôn ba xứ người…
Không ít người cho rằng Nas Daily chỉ là một blogger chứ không phải nhà hoạt động xã hội, diễn giả hoặc là cơ quan ngôn luận. Vì vậy, thay vì chỉ trích, cộng đồng mạng nên nhìn vào những điều mà các video này đã làm được.
Tương tự, với video “Chương trình tình nguyện khó tin nhất Việt Nam” đăng tải ngày 14-11, nhiều người cũng phản ứng rằng video này quá chú trọng tính diễn xuất, không chọn lọc đối tượng được nhận quà.
Nội dung video là Nas Daily và Pew Pew đã mua lại toàn bộ quần áo trong một cửa hàng và mời người dân tới nhận miễn phí. Video đưa ra thông điệp về sự cho đi.
Thế nhưng video nhận không ít lời bình luận “thôi đừng làm video về Việt Nam nữa”, “tại sao lại cho người không nghèo nhận quần áo”.
Có người lại cho rằng không nên đăng tải, “sao không làm video về mấy quán cơm từ thiện, tủ quần áo từ thiện”…
Có thể một số lời thoại trong video, cách dẫn dắt câu chuyện, chọn bối cảnh… chưa thật sự chạm tới cảm xúc người xem khiến họ cảm thấy không gần gũi.
Nhưng thực tế, Nas Daily chỉ là một kênh sáng tạo nội dung và dĩ nhiên nhận thu nhập từ công việc này, các video về Việt Nam cũng là một trong những kế hoạch sáng tạo của Nas.
Vì vậy, không thể đòi hỏi quá nhiều ở một vị khách khi họ tới thăm “nhà” chúng ta một thời gian ngắn. Họ cư xử hợp lý, có những ý định tốt đẹp… là điều đáng quý rồi. Chúng ta thử nhìn lại xem, cách chúng ta tiếp đón họ - chỉ trích những video của họ - như vậy có nên không?
Sinh năm 1992 tại Israel, người lập nên fanpage và kênh Youtube Nas Daily tên thật là Nuseir Yassin. Sau khi trải qua công việc lập trình, anh đã quyết định trở thành người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội bằng cách đi nhiều nơi trên thế giới để thực hiện hàng trăm video ngắn. Fanpage Nas Daily hiện có hơn 6,8 triệu người theo dõi, kênh Youtube hơn 360.000 người theo dõi.Hai video về Việt Nam kể trên nằm trong series tám video Nas Daily thực hiện hồi tháng 10, hợp tác với Pew Pew và vlogger Giang Ơi, dự định mỗi tuần sẽ đăng tải một video vào thứ Sáu.
N.Khánh