Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

‘Săn mây’ tại Hầu Chư Ngài, trải nghiệm mới khi đến Sa Pa

(SGTT) - Hầu Chư Ngài cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 7km, du lịch tại đây chưa phát triển nên ít được du khách biết đến. Những ngày nhiều mây, Hầu Chư Ngài hiện lên đầy ấn tượng, khách tham quan như hòa mình vào biển mây bất tận.

Khi đến Sa Pa, khách du lịch đi theo tour vốn quen với Fansipan, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn hay Bản Cát Cát... và hầu như không có Hầu Chư Ngài. Một ngày cuối năm 2022, cáp treo Fansipan tạm ngưng hoạt động, hướng dẫn viên địa phương chuyển hướng mời khách đi Hầu Chư Ngài. Chính tác giả, người đã đến Sa Pa nhiều lần, nhưng nghe tên Hầu Chư Ngài cũng cảm giác rất lạ.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Anh tài xế nhiệt tình giới thiệu đoàn điểm đến ngắm mây ở Hầu Chư Ngài. Anh bảo “Chắc chắn anh chị sẽ cảm thấy thích khi đến nơi này, ở đó mây nhiều lắm”. Ven đường đến Hầu Chư Ngài như “chứa” cả một thung lũng mây. Chỉ là mây trôi, nhưng cảm giác vô cùng phấn khích, tạo cho người tìm đến một cảm giác vô cùng lạ

Xe đưa đoàn khách qua một điểm đến gọi là "hồ Vô Cực", vừa đến, đã thấy ngay những mỏm đá và một số du khách tìm đến "chen" cùng mây. Thật ra, đây chỉ là khởi đầu của con đường vào Hầu Chư Ngài, chênh vênh trong bao la của mây trời.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Điểm đến chính có tên là là Best View, đã có khá đông người tìm đến. Du khách muốn vào check-in, phải mua vé 100.000 đồng/vé/người, còn uống nước thì không bắt buộc.

Trên đỉnh Hầu Chư Ngài, khuất trong mây mù, cả một thung lũng chỉ là mây, và du khách có cảm giác như ở trong mây. Tại đây, có những con đường nhỏ bằng gỗ rất chông chênh, rồi từng khoảng không gian trống để du khách có thể ngắm nhìn cảnh vật.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Mây mù có đôi lúc từ núi bay lên, khiến mọi người lẫn vào trong đó, rồi mây mù tan, từ nơi chọn để có thể ngắm nhìn mây, du khách thấy cả một thung lũng với những tảng mây trôi bềnh bồng, mây cứ trôi và mọi người cố tìm một góc đẹp để chụp những tấm ảnh làm kỷ niệm.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Ở Đà Lạt, người muốn săn mây phải đi từ sáng sớm đến Cầu Đất, vì nắng lên mây sẽ tan. Còn ở Hầu Chư Ngài, nếu du khách tiếp tục theo con đường đi xuống lũng sâu, nơi người dân đang sinh sống thì trời trong, không mây.

Ngược lại, ở trên đỉnh núi, nơi có độ cao khoảng 1600 mét so với mặt nước biển thì sẽ "chạm mây". Không phải những đám mây đơn lẻ, mà mây nhiều lớp, mây màu trắng mênh mông.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Những góc chụp ảnh khác nhau được chủ nhân của điểm đến tạo hài hòa, dựa vào địa hình của đỉnh núi. Và có khi, du khách cứ phóng xe trên con đường còn nhiều sỏi đá, nhiều vòng cua ấy, bắt gặp một bãi đất trống hoặc một mõm đá cheo leo. Dừng xe lại ngắm mây mù, chụp cho mình một tấm ảnh, giữ lại một chút mây mù trong chuyến đi.

Ảnh: Khuê Việt Trường

Ngoài một vài cơ sở kinh doanh lưu trú, các dịch vụ ăn uống ở Hầu Chư Ngài gần như không có, thậm chí sóng điện thoại cũng bị hạn chế. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình một cách trọn vẹn vào thiên nhiên hoang sơ, núi rừng hùng vĩ và khám phá, tìm hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào Mông.

Khuê Việt Trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hoa mận, hoa đào, hoa cải vàng cùng khoe sắc ở...

0
(SGTT) - Những ngày cuối Xuân, mùa mận, hoa đào, hoa lê và hoa cải vàng đồng loạt nở rộ tại bản Tả Van,...

Kết nối