Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Săn học bổng du học: trong tầm tay

(SGTT) - Có thể du học sau khi học xong cấp 3 thì rất tuyệt nhưng cũng có có rất nhiều người chọn du học sau khi đi làm vài năm. Con đường lấy học bổng vẫn khó nhưng dành cho những người chịu khó và có kế hoạch bài bản.

Ông Ngô Vĩnh Phú, ngụ ở quận 1, TPHCM, cho biết cách đây bốn năm, gia đình ông quyết định cho con gái út đi du học ở Mỹ với kỳ vọng cô út được tiếp cận nền giáo dục dục chất lượng cao.

Với khả năng tài chính không dồi dào, cộng với học lực của con gái ở mức khá, ông Phú đã cùng con quyết định tìm đường du học bằng học bổng. Con đường mà hai cha con ông Phú chọn là: tìm những trường “có mức học bổng cao và nằm xa các thành phố lớn ở Mỹ để giảm sự cạnh tranh và tăng cơ hội lấy học bổng”.

Săn học bổng, mỗi người một kiểu

Sự tìm kiếm của hai cha con cuối cùng cũng mang đến một kết quả như họ mong đợi: Khoa Sinh học trường Wilson College – nơi có cung cấp học bổng cho sinh viên lên đến 50%. Ở đó, người con gái trải qua hai năm học dự bị để đáp ứng yêu cầu nhận học bổng, nâng cao học lực trước khi vào học đại học.

Điều thuận tiện là một số chứng chỉ trong hai năm học dự bị này được sử dụng cho quá trình học đại học để rút ngắn thời gian học. “Trong hai năm học dự bị và năm đầu tiên đại học vừa qua, con gái tôi đều lãnh được học bổng 50%”, ông Phú chia sẻ và tính toán đến khi con gái ông tốt nghiệp, ông sẽ chỉ tốn một nửa chi phí đáng ra phải trả.

Bên cạnh đó, ông cũng tính toán mức chi tiêu, ăn, ở cho con mình ở mức hợp lý nhất.

Anh Trương Phạm Hoài Chung, tốt nghiệp thạc sĩ, ngành giáo dục, đại học Harvard (Mỹ), chia sẻ: “Điều quan trọng khi đi du học là người học có khả năng tự lập tốt, khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, kỹ năng học thuật tốt và biết mình cần học gì để đạt được mục tiêu mình muốn ở nước ngoài. Vì thế, tùy mỗi cá nhân mà chọn thời điểm đi du học phù hợp”.

Với anh Trương Phạm Hoài Chung, người đã tốt nghiệp trường Đại học Harvard (Mỹ) với tấm bằng Thạc sĩ ngành giáo dục, săn tìm học bổng phải được lên kế hoạch bài bản.

Năm học lớp 12, anh Hoài Chung chọn những trường ở Mỹ nơi có sự hỗ trợ tài chính toàn phần cho sinh viên quốc tế với lý do: “gia đình tôi chỉ có khả năng chi trả vài ngàn đô la mỗi năm”.

Để chuẩn bị hồ sơ tuyển sinh cho các trường, anh Hoài Chung cần có điểm số tốt ở bài thi SAT – bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ – cộng thêm kết quả hoạt động ngoại khóa năng động và bài luận thuyết phục.

Anh Hoài Chung cho biết đã luyện bài thi SAT nhờ tham khảo sách ở thư viện. Về những hoạt động ngoại khóa, anh tham gia đội hợp xướng và đạt huy chương vàng; tham gia vào ban tổ chức hoạt động cho hiệp hội trẻ em nghèo của thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Anh viết bài luận về trải nghiệm sống tám năm ở ngoại ô thành phố Quy Nhơn. “Sau hai năm chuẩn bị từ lúc có dự định săn học bổng, tôi đã đậu năm trường ở Mỹ, nhập học tại trường Đại học Williams và tiếp tục học thạc sĩ ở Harvard”, anh chia sẻ.

Đi làm để tích lũy kinh nghiệm rồi mới xin học bổng du học đó là cách của chị Nguyễn Khánh Dung – người vừa đậu chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Stanford Graduate School of Business (Mỹ).

Chị Nguyễn Khánh Dung, học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Stanford Graduate School of Business, Mỹ, cho biết: “Nếu bạn dự đinh đi học vào năm 2021 thì nên có sự chuẩn bị từ 2019. Điểm thi các bài thi chuẩn hóa (standardized tests) như GMAT hay TOEFL chỉ là một phần trong hồ sơ. Đừng bị sa đà và dành phần lớn thời gian vào việc thi và thi lại để đạt điểm cao”.

“Tôi đang đi làm và mất hai năm cho việc tìm hiểu và lên kế hoạch cho việc tìm học bổng. Khí đó, tôi nói chuyện với nhiều người hướng dẫn để chia sẻ suy nghĩ của mình về mục tiêu đi học và tham khảo ý kiến của họ xem việc đi học thạc sĩ có phù hợp với mục tiêu và định hướng cá nhân không?”, chị Khánh Dung nói.

Từ lúc quyết định sẽ nộp đơn đi học cho đến hạn nộp đơn trực tuyến vào trường hồi tháng 1-2019 là khoảng bốn tháng. Trong thời gian này, chị Dung tập trung cho bài thi GMAT (một dạng bài thi kiểm tra năng lực), viết bài luận cá nhân và xin thư giới thiệu từ sếp ở công ty và người hướng dẫn.

Sau đó, chị được vào vòng hai là vòng phỏng vấn với một cựu sinh viên của Stanford Graduate School of Business. “Trường thông báo là tôi được nhận vào chương trình thạc sĩ.

Trường có quy định là sau khi được nhận vào trường thì bộ phận hỗ trợ tài chính của trường mới xem xét cấp hỗ trợ tài chính”, chị nói và giải thích rằng quyết định được nhận vào trường và quyết định cấp hỗ trợ tài chính là hai quyết định riêng biệt của trường này.

Nếu ứng viên có đủ năng lực để được nhận vào trường, trường sẽ bảo đảm là sinh viên có đủ sự hỗ trợ tài chính để đi học.

Có kế hoạch, chuẩn bị kỹ càng

Những thủ tục cần có khi chuẩn bị hồ sơ xin học bổng.

Chị Dung chia sẻ, chị mất hai năm để chuẩn bị cho việc học thạc sĩ của mình.

Chị tìm hiểu kỹ càng về chi phí học, chi phí ăn ở, chi tiêu vặt như phí đi du lịch với bạn cùng khóa – đây thường là mức chi khá cao trong khi đi học thạc sĩ... của các trường – để có kế hoạch ứng phó rõ ràng trong từng trường hợp, như may mắn được nhận học bổng toàn phần hay bán phần hoặc ngược lại là không được cấp học bổng.

“Nói chuyện với các cựu sinh viên từng học cùng chương trình tại các trường để hiểu được các nguồn hỗ trợ tài chính từ trường và ngoài trường, từ chính phủ cũng như cá nhân. Bên cạnh đó, những ai muốn đi du học nên mạnh dạn xem xét việc xin hỗ trợ tài chính từ công ty đang làm và thương lượng với trường để xin thêm hỗ trợ tài chính sau khi nhận được thư xác nhận hỗ trợ tài chính ban đầu”, chị Khánh Dung cho biết.

Đây cũng là điều mà một phụ huynh như ông Phú cũng rất quan tâm: “Tôi đề cao sự cẩn thận lên hàng đầu và suy xét đến mọi rủi ro có thể phát sinh nhằm chuẩn bị tinh thần cho thật tốt”.

Về kinh nghiệm săn học bổng, chị Khánh Dung cũng cho rằng những ai muốn săn học bổng đi du học cần dành đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ.

“Nếu bạn dự định đi học vào năm 2021 thì nên có sự chuẩn bị từ 2019”, chị nói và cho biết điểm thi các bài thi chuẩn hóa (standardized tests) như GMAT hay TOEFL chỉ là một phần trong hồ sơ. “Đừng bị sa đà và dành phần lớn thời gian vào việc thi và thi lại để đạt điểm cao”.

Tùy theo kế hoạch mà từng ứng viên chọn thời điểm đi du học phù hợp. Theo anh Hoài Chung, nếu học cấp 2 và 3, người học nên chọn trường có khóa học và ngoại khóa chuẩn bị tốt cho việc nộp đơn vào đại học.

Nếu học đại học, chọn trường có ngành học và môi trường phù hợp tính cách. Và sau đại học, chọn trường có chuyên ngành mình muốn học sâu.

Tài chính cho suốt hành trình du học bao gồm học phí, ăn ở, đi lại, sách vở, bảo hiểm, sinh hoạt… và thường phải có một khoản tiền dành riêng cho trường hợp khẩn cấp.

Riêng trường hợp du học ở những nơi có miễn, giảm học phí, người học sẽ tiết kiệm được chi phí và cũng được ưu tiên vì là học sinh giỏi ở trường.

Sự khao khát cống hiến cho xã hội

Tiếng Anh cho sinh viên quốc tế thường dựa trên hai bài thi chuẩn hóa TOEFL (điểm trên 100) hoặc IELTS (điểm trên 7.5). Ứng viên cần số điểm tốt bên cạnh bài thi tư duy cho tất cả mọi người là SAT.

Cũng theo anh Hoài Chung, trường đại học rất quan tâm đến tài năng, khả năng lãnh đạo và mối quan tâm của các ứng viên học bổng với cộng đồng.

Thường thì các ứng viên săn học bổng hầu hết đều học giỏi, có điểm số cao cùng với khả năng dẫn dắt các hoạt động trong trường xuất sắc. Chỉ cần bạn cố gắng phân bổ thời gian hợp lý để vừa học tốt mà hoạt động ngoại khóa cũng có kết quả tốt.

“Điều quan trọng là trong câu chuyện riêng của từng ứng viên sẽ phải để cho phía trường thấy con người của mình khi sống trong cộng đồng đại học, cũng như khát khao cống hiến cho xã hội sau này”, anh Chung chia sẻ.

Cũng có đồng quan điểm với anh Hoài Chung, chị Khánh Dung cho rằng kinh nghiệm làm việc cũng như nguyện vọng và kế hoạch của ứng viên xin học bổng trong và sau khi đi học là hai phần quan trọng trong hồ sơ, nhưng nhiều người đã dành quá ít thời gian chuẩn bị cho phần này.

Trường thường rất quan tâm về hai phần này để xem xét ứng viên có phù hợp với môi trường và văn hóa của trường không.

“Hãy kể câu chuyện của chính bản thân bạn trong các bài luận. Có nhiều ứng viên kể những điều mà họ nghĩ là trường sẽ thích. Nhưng phía trường sẽ nhận ra khi bạn không là chính mình”, chị nói.

Có thể nói, quá trình săn học bổng rất dài và đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì cao, cần sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng và khả năng tài chính.

Tuy nhiên, khác với du học tự túc, những người đi du học qua con đường học bổng sẽ có những tính toán để không quá lo về tài chính.

Nhân Tâm

“Điều quan trọng khi đi du học là người học có khả năng tự lập tốt, khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, kỹ năng học thuật tốt và biết mình cần học gì để đạt được mục tiêu mình muốn ở nước ngoài. Vì thế, tùy mỗi cá nhân mà chọn thời điểm đi du học phù hợp, Trương Phạm Hoài Chung Tốt nghiệp thạc sĩ, ngành giáo dục, đại học Harvard (Mỹ), nói.

“Nếu bạn dự định đi học vào năm 2021 thì nên có sự chuẩn bị từ 2019. Điểm thi các bài thi chuẩn hóa (standardized tests) như GMAT hay TOEFL chỉ là một phần trong hồ sơ. Đừng bị sa đà và dành phần lớn thời gian vào việc thi và thi lại để đạt điểm cao”, Nguyễn Khánh Dung, Chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Stanford Graduate School of Business, Mỹ, cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Săn học bổng ở trường chất lượng

0
(SGTT) - Đối với những gia đình có kế hoạch đưa con đi du học, một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên...

Kết nối